Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dấu ấn trong sự nghiệp đổi mới giáo dục

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Người từng nhấn mạnh: cần hình thành một triết lý về giáo dục, chú ý phát triển khoa học giáo dục Việt Nam, coi đây là nền tảng lý luận để tiến hành đổi mới giáo dục...

Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị

Năm 2012, tại buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Bộ GD&ĐT, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận và khẳng định: từ ngày lập nước, Việt Nam chưa bao giờ có được một nền giáo dục phát triển cả về quy mô, mạng lưới, hình đào tạo, đội ngũ giáo viên, quan hệ quốc tế… như hiện nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt học sinh, sinh viên tiêu biểu năm học 2017 – 2018 (Ảnh: TL)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt học sinh, sinh viên tiêu biểu năm học 2017 – 2018 (Ảnh: TL)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các cấp, các ngành, đến toàn xã hội... Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm chung, trước hết là nhà trường, gia đình và xã hội, các đoàn thể.

Ngày 4/11/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết được đánh giá là toàn diện, có nhiều đột phá trong việc chấn hưng nền giáo dục và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam; tác động sâu rộng tới các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân.

Tại báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Bộ GD&ĐT khẳng định: giáo dục, đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

10 năm qua, đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Một trong những điểm nhấn trong công cuộc đổi mới giáo dục là Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh...

Đề cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên và cho rằng, với thế hệ trẻ, đức phải là gốc, là trước hết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng ảnh Bác Hồ cho học sinh, sinh viên tiêu biểu năm học 2017 – 2018 (Ảnh: TL)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng ảnh Bác Hồ cho học sinh, sinh viên tiêu biểu năm học 2017 – 2018 (Ảnh: TL)

Năm 2018, trong cuộc gặp gỡ những học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 - 2018, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh, nguyên khí mà suy thì đất nước yếu. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, trong đó có những thành tựu, đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo...

... Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết. Nói thế không phải xem nhẹ tài, tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia. Nhưng các cụ ta nói rồi, "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", cho nên phải rất chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức".

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 – 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi gắm: “Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà; mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa “hồng vừa chuyên”. Tôi mong các bậc phụ huynh tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục, tạo điều kiện để con em mình được học tập, rèn luyện tốt nhất…”.

Giữ trọn tinh thần “tôn sư trọng đạo”

Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các tầng lớp Nhân dân đều cảm phục và cảm động trước tinh thần “tôn sư trọng đạo”, giản dị, sắc son, trọn vẹn nghĩa tình của người giữ trọng trách cao nhất của Đảng với trường cũ, thầy cô cũ, bạn học cũ.

Dù bận việc nước nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần dành thời gian trở về trường THPT Nguyễn Gia Thiều – mái trường thân thương, nơi Tổng Bí thư có 6 năm theo học những năm tháng phổ thông (1957 – 1963) và thay mặt lớp học trò ngày ấy gửi lời tri ân: "Chúng tôi biết ơn thầy cô, ông bà bố mẹ và không bao giờ quên một thời thanh niên sôi nổi".

Người học trò Nguyễn Phú Trọng cùng vợ chồng thầy giáo cũ - nhà giáo Lê Đức Giảng xem lại những bức hình kỷ niệm (Ảnh tư liệu của trường THPT Nguyễn Gia Thiều).
Người học trò Nguyễn Phú Trọng cùng vợ chồng thầy giáo cũ - nhà giáo Lê Đức Giảng xem lại những bức hình kỷ niệm (Ảnh tư liệu của trường THPT Nguyễn Gia Thiều).

Sáng 4/9/2014, Tổng Bí thư tham dự, đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều; thăm hỏi, ôn kỷ niệm cũ với thầy cô, học sinh nhà trường. Năm 2020, nhận lời mời về dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường, Người xúc động khi gặp lại thầy cô, bè bạn thủa nào và nói: “Em báo cáo các thầy, các cô, bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng khi về trường em xin phép được các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của trường. Trong buổi lễ, thầy cô cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng”.

Khi xuất bản cuốn sách “Cương lĩnh chính trị - Ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta” vào năm 2010, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với vai trò tác giả cuốn sách đã trân trọng gửi tặng thầy giáo cũ của mình là nhà giáo Lê Đức Giảng. Trong lời đề tặng, Tổng Bí thư viết: “Kính biếu thầy Lê Đức Giảng - người thầy em hằng kính trọng với tất cả tấm lòng mình suốt mấy chục năm qua” và ký tên là “Người học trò nhỏ của thầy”.

Năm 2019, lá thư viết tay của người học trò Nguyễn Phú Trọng gửi thăm cô giáo cũ Đặng Thị Phúc đã gây nhiều xúc động. Thư viết: “Kính chúc thầy cô sang năm mới sức khoẻ, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới.... Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo”…

Thời đại học, Tổng Bí thư học khoá 8, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội). Dẫu sau này trưởng thành, rời xa mái trường xưa, trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nhưng vào những dịp đặc biệt, Tổng Bí thư đều sắp xếp công việc để trở về.

Có thể kể như: năm 2006, khi đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐH Đông Dương (tiền thân của ĐH Quốc gia Hà Nội), đón nhận Huân chương Sao vàng. Năm 2010, khi ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư về thăm và gặp mặt thân mật các lãnh đạo, thầy cô giáo của trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Năm 2013, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia Hà Nội, Tổng Bí thư về dự, thăm phòng truyền thống và rất vui khi thấy những hình ảnh, kỷ vật thời sinh viên của mình được trưng bày trang trọng tại đây. Mới đây nhất, vào tháng 12/2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia Hà Nội và 117 năm truyền thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng ĐH Quốc gia Hà Nội...

Tất thảy những việc làm, những nghĩa cử, tình cảm cao đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngành giáo dục, với trường cũ, thầy cô giáo cũ, bạn bè cũ đã trở thành di sản tinh thần; mãi mãi là bài học quý giá, giàu sức lan toả trong Nhân dân để thế hệ hôm nay và mai sau noi gương, học tập.