Tình yêu dành cho văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố quan trọng. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc, gia đình, quê hương đã truyền vào ông tình yêu sâu sắc đối với văn hóa.
Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ đã củng cố thêm tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa Việt Nam.
Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm phát triển và thăng hoa văn hóa Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là sau Đại hội Đảng khóa XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Những chỉ đạo này nhấn mạnh việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của Thủ đô, đồng thời khuyến khích tiếp tục đổi mới và sáng tạo để phù hợp với thời đại mới.
Những thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư như “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” đã là nguồn cảm hứng để toàn xã hội quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa nước nhà.
Trong các phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ vai trò quan trọng của Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa của cả nước. Ông đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn các di sản văn hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình văn hóa mới, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hà Nội phải là điểm hội tụ và lan tỏa văn hóa, là tấm gương sáng cho cả nước noi theo”.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ rằng, việc phát triển văn hóa Thủ đô cần phải gắn liền với chính trị và kinh tế. Ông kêu gọi các cấp, ngành cùng phối hợp để xây dựng một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế. Chỉ đạo này định hướng Hà Nội không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, từ giáo dục cho đến nghệ thuật, từ truyền thống đến hiện đại.
Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc thực hiện các chương trình cụ thể để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa. Tổng Bí thư khẳng định rằng, chỉ khi có sự tham gia tích cực của toàn bộ cộng đồng, các chính sách văn hóa mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển văn hóa Thủ đô còn được thể hiện bằng những hành động hết sức cụ thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc dành cho văn nghệ sĩ Thủ đô Hà Nội.
Trong những cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích họ sáng tạo, phát triển những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, gắn liền với đời sống hiện đại.
Một trong những dấu ấn nổi bật là những buổi gặp gỡ, làm việc với các Hội văn học, nghệ thuật tại Hà Nội. Tại đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, chia sẻ và động viên họ.
Tổng Bí thư khẳng định sự tự hào về những đóng góp to lớn của giới văn nghệ sĩ cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho văn nghệ sĩ Thủ đô Hà Nội thể hiện qua sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ thiết thực, động viên, giúp họ yên tâm sáng tạo, cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật cũng như công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi, cả nước tiếc thương một con người vĩ đại, cả cuộc đời tận hiến vì nước vì dân. Những chỉ đạo, động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang là kim chỉ nam quan trọng để Nhân dân Hà Nội tiếp tục phát triển, đổi mới, giữ vững vị thế của mình trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế.