Theo ban tổ chức, cuộc thi này được coi là cuộc khảo sát về thực trạng hiểu biết về chính sách thuế đối với thương mại điện tử trong cộng đồng, giúp ngành thuế có định hướng giải pháp về công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành của người nộp thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Sau một năm phát động và triển khai cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 1.313 tác phẩm từ đông đảo các tác giả ở khắp mọi miền đất nước gửi về. Trong đó, số lượng tác phẩm dự thi từ các cơ quan báo chí chiếm tỷ lệ lớn nhất 73%. Nhiều cục thuế cũng tham gia dự thi với số lượng lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Yên Bái, Nam Định…
Ngoài ra, trong khối các trường/viện có Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế TPHCM là các đơn vị có nhiều bài dự thi.
Sau quá trình chấm giải, Hội đồng chung khảo đã thống nhất lựa chọn ra 38 tác phẩm dự thi để trao giải, gồm: 3 giải A; 5 giải B; 10 giải C; 20 giải khuyến khích (không có giải đặc biệt).
Hội đồng Giám khảo cũng quyết định trao giải Tập thể cho 5 đơn vị tham gia tích cực và có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt. Các tác phẩm dự thi đạt giải ngoài giải thưởng bằng tiền, người đạt giải còn được tặng giấy chứng nhận của Ban Tổ chức. Đối với giải tập thể, còn được Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tặng giấy khen.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử vẫn đạt mức 16% với quy mô đạt trên 13,7 tỷ USD; năm 2020, tốc độ tăng trưởng là 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD.
Thực tiễn này đòi hỏi cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử; đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.