Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ gồm 3 số đơn giản, dễ nhớ

Hải Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ ngắn gọn 3 số đơn giản, dễ nhớ, hoạt động 24/24 giờ, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến tổng đài”.

Đây là thông tin do bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) cho biết tại Hội nghị tập huấn Luật Trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tổ chức chiều 12/6.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em tại Hội nghị tập huấn Luật Trẻ em.
Trước đó, năm 2004, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng đã thành lập đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em “Phím số diệu kỳ - 18001567”. Qua hoạt động của đường dây đã tư vấn cho trẻ em và gia đình về việc thực hiện quyền trẻ em. Đồng thời thực hiện việc kết nối với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác để can thiệp và hỗ trợ trẻ em trong các trường hợp cần thiết. Hiện nay, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em “Phím số diệu kỳ - 18001567” gồm có 22 nhân viên tư vấn, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. “Trong 3 tháng vừa qua, đường dây Phím số diệu kỳ đã hoạt động với công suất 200%. Tuy nhiên qua khảo sát, còn nhiều người, trong đó có trẻ em, nhất là trẻ em ở các tỉnh, thành còn chưa biết đến đường dây tư vấn này” - bà Nga cho biết.

“Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã quy định Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Thời gian tới, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ được thành lập với 3 số đơn giản, dễ nhớ, chẳng hạn như số 111. Sẽ có phiếu lấy ý kiến trẻ em xem trẻ em muốn gọi số nào” - Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Nga thông tin.

Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan LĐ-TB&XH các cấp, hoặc cơ quan công an các cấp, hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan công an cấp xã phải phối hợp với tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có trách nhiệm giới thiệu, kết nối các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cần thiết trong trường hợp cấp tỉnh không có dịch vụ hoặc theo đề nghị của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần