Mặc dù vậy, đánh giá của Bộ sau 10 năm thực hiện, đàn bò thịt có xu hướng suy giảm tổng đàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2018, tổng đàn bò giảm bình quân 0,9%/năm. Nguyên nhân giảm đàn bò thịt được Bộ NN&PTNT chỉ ra là do giảm nhu cầu sức kéo và không gian chăn thả.
Dù tổng đàn bò liên tục giảm qua các năm, tuy nhiên, do thay đổi cơ cấu giống (giảm bò nội, tăng bò lai) và tăng lượng bò thịt nhập khẩu vỗ béo nên năng suất chăn nuôi, khối lượng giết mổ đều tăng. Nhờ đó, sản lượng thịt bò vẫn bảo đảm tăng trưởng 4,0%/năm, tiệm cận với mục tiêu chiến lược đặt ra.
Trong 10 năm (2008 - 2018), phương thức chăn nuôi chăn nuôi bò thịt đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, ngoài các hộ gia đình với quy mô phổ biến dưới 10 con, đã có nhiều doanh nghiệp phát triển trang trại chăn nuôi bò với số lượng đàn lên đến hàng chục nghìn con.
Từ phương thức chăn thả truyền thống chủ yếu áp dụng cho các hộ gia đình thì nay đã có thêm phương thức nuôi nhốt công nghiệp với thức ăn hỗn hợp chế biến sẵn. Các mô hình liên kết chăn nuôi bò thịt cũng đã hình thành, tạo sự cung ứng ổn định về yếu tố đầu vào (con giống, thức ăn và chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng) và đầu ra sản phẩm. Nhìn chung, với phương thức chăn nuôi mới và nhu cầu thị trường, chăn nuôi bò thịt ở nước ta vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo Bộ NN&PTNT, để phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới, chăn nuôi bò thịt cần khắc phục những tồn tại, hạn chế như: Chưa bảo đảm mức độ an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm; chưa khai thác tốt nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp; tỷ lệ bò thịt lai trong cơ cấu đàn vẫn còn thấp (trên 34%. Bên cạnh đó là việc triển khai công tác thuần hóa, nhân giống và lai tạo bò thịt năng suất cao vẫn còn chậm; chưa phát triển mạnh các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bò thịt. Đồng thời, vẫn còn tỷ lệ nhỏ thịt bò được giết mổ công nghiệp và chế biến.