Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ chủ trì Hội nghị.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện các ban đảng, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, cơ quan Trung ương, các cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Trung ương dự Hội nghị.
Toàn cảnh phiên khai mạc sáng 21/1. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ nêu rõ Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013; tổng kết phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, khen thưởng những đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2012; xác định phương hướng và phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm tra Đảng năm 2013.
Phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới, ông Ngô Văn Dụ nhấn mạnh năm 2013 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, chuẩn bị hướng đến Đại hội XII của Đảng, triển khai tổng kết 30 năm Đảng thực hiện công cuộc đổi mới; tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Cả nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất, đảm bảo thực hiện dân chủ trong Đảng, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu phải hết sức chú trọng và tăng cường mọi mặt công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, tập trung trí tuệ, nêu cao ý thức trách nhiệm, với nhận thức và kinh nghiệm thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong những năm qua, đặc biệt là những vấn đề nổi lên trong năm 2012, tập trung thảo luận đánh giá chính xác, đúng mức những kết quả, ưu điểm, thành tích đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.
Các đại biểu đề xuất, sửa đổi, bổ sung những quy định của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước không còn phù hợp hoặc bất cập, những vấn đề cần khắc phục, điều chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của các cấp ủy đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Hội nghị tập trung thảo luận, xác định những nhiệm vụ trong tâm, đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có tính khả thi, sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng và địa phương, đơn vị gắn với đổi mới công tác kiểm tra, giám sát và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và cải cách hành chính trong Đảng nói chung và trong công tác kiểm tra giám sát của Đảng nói riêng, đảm bảo thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng năm 2013 và những năm tiếp theo.
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ năm 2012, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp cùng với lãnh đạo, chỉ tổ chức thực hiện tương đối toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, chỉ đạo tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Các cấp ủy đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, các quy định trong Đảng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát tiếp tục được nâng lên.
Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp thực sự có chuyển biến tích cực, góp phần cùng với Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nêu rõ những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng: Một số cấp ủy chưa thực sự chủ động trong triển khai nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát theo quy định của điều lệ Đảng hoặc chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát đối với cấp ủy cấp dưới, Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Nội dung kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra chưa toàn diện, chất lượng hiệu quả còn hạn chế.
Việc thực hiện giám sát chuyên đề của các ban xây dựng Đảng còn hạn chế, nên tác dụng ngăn ngừa vi phạm, khuyết điểm chưa nhiều và chưa kịp thời. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra các cấp với tổ chức đảng có liên quan còn chưa được thường xuyên…
Năm 2013, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, trọng tâm là việc thực hiện kế hoạch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình; gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ủy ban kiểm tra các cấp tổ chức thực hiện toàn diện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ cấp ủy giao, tập trung kiểm tra, giám sát và xử lý đảng viên vi phạm trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về các lĩnh vực tư tưởng chính trị, công tác tổ chức cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý sử dụng ngân sách, vốn, xây dựng cơ bản, lĩnh vực ngân hàng, các hoạt động tư pháp; kiểm tra giám sát, phát hiện, xử lý những tổ chức, cá nhân có biểu hiện về chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, kê khai tài sản không đúng quy định.
Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp chủ động hơn trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, chú trọng kiểm tra, giám sát các đồng chí cấp ủy cùng cấp và cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý; tăng cường giám sát, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời cán bộ, đảng viên kịp thời cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ủy ban kiểm tra các cấp phối hợp xem xét các vấn đề nổi cộm liên quan đến các vụ án lớn, tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo.
Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Điều lệ và các Nghị quyết của Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu xây dựng chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương năm 2013.