Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng kết thực thi Hiến pháp cả lý luận và thực tiễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đánh giá cao sự chuẩn bị các nội dung khá công phu của bộ phận thường trực, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng kết việc thực thi Hiến pháp nghiêm túc trên cả bình diện lý luận và thực tiễn.

Sáng 18/10, Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã họp phiên thứ nhất. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ quan trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội quyết định thực hiện trong toàn hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước, để làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trong thời gian tới.

Do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải tham gia sâu, toàn diện ngay từ đầu để chủ động đóng góp ý kiến về đạo luật gốc quan trọng này.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần huy động cả hệ thống tham gia vào việc tổng kết thực thi Hiến pháp. Không chỉ bộ phận pháp chế và các thành viên Ban chỉ đạo có liên quan mà các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cũng phải huy động hệ thống cơ quan trực thuộc tham góp để có nhiều ý kiến thực tiễn hơn, nhất là những bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có thể mời thêm những chuyên gia giỏi đóng góp ý kiến.

Đánh giá cao sự chuẩn bị các nội dung khá công phu của bộ phận thường trực, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng kết việc thực thi Hiến pháp nghiêm túc trên cả bình diện lý luận và thực tiễn. Tổ giúp việc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện văn bản một cách sớm nhất, khoa học nhất. Các thành viên Ban chỉ đạo sẽ tham gia tổng kết tại địa phương được phân công theo dõi để tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính hệ thống, thống nhất. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Ủy viên Ban chỉ đạo được giao nhiệm vụ là người phát ngôn chính thức của Ban chỉ đạo.

Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã cho ý kiến vào các dự thảo Kế hoạch hoạt động; Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên; Quyết định thành lập tổ giúp việc của Ban chỉ đạo; Quy chế hoạt động; Công văn của Ban chỉ đạo gửi các bộ, ngành, địa phương về việc chỉ đạo triển khai tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.

Theo kế hoạch, Ban chỉ đạo sẽ họp 10 phiên, các công việc được chia thành hai giai đoạn gồm các hoạt động liên quan đến tổng kết thi hành Hiến pháp và các hoạt động liên quan đến đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, thực hiện từ tháng 10/2011-11/2013.

Giai đoạn một, từ nay đến 1/2012, Ban chỉ đạo tổ chức các phiên họp để thông qua quy chế, kế hoạch hoạt động; cho ý kiến về Đề cương chi tiết các chuyên đề do một số Bộ và địa phương thực hiện; thông qua Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết của Chính phủ và cho ý kiến đối với các dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ trước khi trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ban chỉ đạo tổ chức các đoàn công tác tại 7 địa phương được giao thực hiện báo cáo chuyên đề, gồm: 4 đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Lắk vào tháng 11/2011; 3 đoàn công tác dự Hội nghị tổng kết tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/2011.

Các cuộc hội thảo tại ba miền Bắc, Trung, Nam sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1/2012 để lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ.

Giai đoạn hai, từ tháng 2/2012 đến tháng 11/2013, các phiên họp của Ban chỉ đạo sẽ cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, tổ chức 2 đoàn khảo sát nước ngoài.

Các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản thống nhất với các nội dung đã dự kiến, đồng thời đóng góp một số ý kiến liên quan đến: việc phổ biến quán triệt thật tốt tới các địa phương; củng cố bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo; phân công nhiệm vụ các thành viên, cử người phát ngôn chính thức của Ban chỉ đạo, chế độ thông tin báo cáo, kinh phí hoạt động… Nhiều ý kiến đề nghị cần mời các chuyên gia pháp luật và các luật sư có kinh nghiệm tham gia tổ giúp việc bởi đây chính là bộ não của Ban chỉ đạo, tổng kết có tốt thì việc sửa đổi Hiến pháp mới thiết thực.