Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề nghị các địa phương tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước đã hình thành được 402 cơ sở bảo trợ xã hội, đang nuôi dưỡng trên 40.000 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 233 cơ sở ngoài công lập bao gồm cả cơ sở của các tôn giáo.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, thanh tra và phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí cho thấy, một số cơ sở của các tôn giáo, cơ sở ngoài công lập chưa tổ chức, thành lập theo quy định của pháp luật, có hiện tượng cho trẻ em làm con nuôi chưa đúng quy trình, thủ tục quy định tại Luật nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn; điều kiện cơ sở vật chất, diện tích phòng ở của đối tượng chưa bảo đảm quy định; nhân viên quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
Cơ sở nuôi 10 đối tượng trở lên phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội - ảnh: Xuân Hưng
Cơ sở nuôi 10 đối tượng trở lên phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội - ảnh: Xuân Hưng
Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc các đối tượng, trong đó có trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn, nhất là các cơ sở ngoài công lập; kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi bảo đảm các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các địa phương hướng dẫn các cơ sở ngoài công lập chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên phải thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở tăng cường công tác quản lý đối tượng từ việc tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý đối tượng, chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với các cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc đối tượng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cần bàn bạc, thống nhất với cơ sở theo hướng tiến hành phân loại, bàn giao về địa phương những đối tượng có địa chỉ cụ thể; lập danh sách các đối tượng không xác định được địa chỉ để xem xét, đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập của tỉnh, thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng; bảo đảm số lượng đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên làm công tác chăm sóc hiện có.