Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng lực ôn thi tốt nghiệp THPT cho nhóm học sinh yếu kém

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Thời điểm này, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp– giáo dục thường xuyên, trường nghề đang trong giai đoạn tăng tốc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với nhóm học sinh yếu kém, công tác phân loại, kèm cặp các em được tập thể sư phạm nhà trường nỗ lực, đồng tâm thực hiện.

Phân loại, bồi dưỡng rồi… tiếp tục phân loại

Nâng cao chất lượng kỳ thi, tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chủ đề “nóng” được đưa ra thảo luận tại nhiều hội nghị của ngành giáo dục Hà Nội. Bằng cái tâm của người làm nghề giáo, trách nhiệm với học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội và toàn ngành, nhiều nhà trường, thầy cô đã và đang dồn quyết tâm vượt khó, huy động toàn bộ nguồn lực để thực hiện công tác ôn tập cho nhóm học sinh có học lực yếu kém với mục đích để các em có đủ kiến thức, vượt qua kỳ thi và đỗ tốt nghiệp THPT; qua đó giúp các em có nhiều cơ hội tốt bước vào cuộc sống.

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023
Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023

Để chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) lên kế hoạch giáo dục, bao gồm thời gian, chương trình dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 ngay từ khi bắt đầu năm học 2023 -2024.

“Là trường THPT có điểm đầu vào thấp, nhà trường đã nỗ lực trong suốt thời gian dài với mong muốn tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Năm 2022, tỷ lệ đỗ của trường đạt trên 99% (trượt 1 học sinh); năm 2023, trường đỗ tốt nghiệp 100%. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trường quyết tâm duy trì kết quả đỗ tốt nghiệp 100%”, Hiệu trưởng Trường THP Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) Hoàng Chí Sỹ chia sẻ.

Với học sinh yếu kém, nhà trường thực hiện tổng hòa nhiều giải pháp; trong số đó có việc phân loại đúng đối tượng học sinh. Căn cứ vào kết quả học trên lớp và các kỳ khảo sát, trường phân loại học sinh rồi xếp lớp kèm cặp theo môn. Nhờ đó, hóm học sinh diện này chỉ còn khoảng 35 em và đang tiếp tục được ôn tập tăng cường.

Cô Hán Thị Thu Phương, giáo viên Lịch sử - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chương Mỹ) cho hay, từ tháng 3/2024, nhà trường đã thực hiện kế hoạch phân loại, ôn tập cho nhóm học sinh “đặc biệt”. Chương trình chia làm 3 đợt, mỗi đợt 5 tuần. Sau một đợt, các thầy cô sẽ cho học sinh làm các bài kiểm tra khảo sát, học sinh nào điểm khá được đưa ra khỏi nhóm, học sinh nào yếu kém thì tiếp tục bồi dưỡng, kèm cặp thêm. Các tiết ôn tập tăng cường này hoàn toàn miễn phí và thầy cô đứng lớp chủ yếu trên tinh thần tự nguyện.

Dạy bằng cái tâm

Chia sẻ về những vất vả trong quá trình ôn tập nhóm học sinh yếu kém, cô Hán Phương cho hay, nhóm học sinh này cơ bản ngoan nhưng chưa chăm chỉ và chưa tự giác học tập. Vào những ngày này, để học sinh nhớ lịch và vào lớp ôn tập, ban giám hiệu phải ra tận cổng trường đón, động viên học sinh vào học. Sau những tiết ôn tập chung, có nhiều học sinh không muốn học tăng cường nữa nên thầy cô chủ nhiệm có phải tích cực rà soát, gặp gỡ, thúc giục các em vào học. Thậm chí, nếu phát hiện học sinh nào không đi học, thầy cô phân công gọi điện hỏi han hoặc phải đến tận nhà để đón học sinh đến lớp ôn tập.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra ngày 27-28/6
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra ngày 27-28/6

Mỗi ca ôn tập tăng cường cho nhóm học sinh yếu kém kéo dài khoảng 2 tiết và diễn ra ngoài giờ. Sau khi hết thời gian học chính khóa và ôn tập cho học sinh toàn khối 12 sẽ bắt đầu thời gian tăng cường cho học sinh yếu kém. Nội dung kiến thức với nhóm học sinh này đã được lên chương trình, thông qua tổ nhóm chuyên môn rà duyệt, đảm bảo ôn trúng và trọng tâm.

Với trường THPT Lưu Hoàng, sau khi phân loại nhóm học sinh yếu kém có nguy cơ trượt tốt nghiệp, hiệu trưởng sẽ gặp gỡ, chuyện trò, trao đổi với từng học sinh. Đồng thời, trao đổi để phụ huynh cùng đồng hành hỗ trợ các em vượt qua những rào cản, khó khăn . Với giáo viên, ban giám hiệu cũng “chọn mặt gửi vàng”, đó phải là các giáo viên có kinh nghiệm, có chuyên môn, có kỹ năng sư phạm, có tình yêu thương học sinh.

Ngoài dạy kèm trên lớp, thầy cô lại kết nối trực tuyến trao đổi, giao bài tập hoặc bài khảo sát cho học sinh rồi chữa bài để các em hiểu và ghi nhớ kiến thức. Không những vậy, ở nhiều đơn vị, nhà trường, các thầy cô giáo còn nhận đỡ đầu học sinh yếu kém để kèm cặp mọi lúc, mọi nơi; góp phần nâng cao trách nhiệm và sự gắn kết giữa thầy - trò.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là lứa cuối cùng học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên càng đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc tích cực của tập thể nhà trường để chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội tiếp tục tăng lên.

 

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra trong 2 ngày 27 - 28/6. Hà Nội dự kiến có khoảng 116.000 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi, chưa kể 5.000 thí sinh tự do. Với quyết tâm tổ chức thành công, an toàn và chất lượng, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng ở nhiều khâu, trong đó có việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 12, đa dạng hóa hình thức ôn tập...