Thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước
Trả lời chất vấn của các đại biểu về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành là đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng. Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.
Phát hiện nhiều sai phạm trong ngân hàng
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn tỉnh Thanh Hoá) chất vấn, vừa qua, thanh tra ngân hàng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm, nhưng những vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn phức tạp, tinh vi. Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong thanh tra ngân hàng và giải pháp căn cơ tới đây là gì?
Trả lời chất vấn, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hằng năm, cơ quan này phối hợp với các cơ quan trình Chính phủ kế hoạch định hướng thanh tra, trong đó có thanh tra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ngành ngân hàng. Thanh tra lĩnh vực này thường tập trung vào quản lý tiền tệ, cấp tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu chứng khoán, nợ xấu ngân hàng, phòng chống rửa tiền...
Theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc nhà băng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.
Những năm qua, Thanh tra Chính phủ mới tiến hành thanh tra một vụ việc tại ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, là Ngân hàng Đại Chúng; thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank); hai ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB).
Kết quả, thanh tra ngành ngân hàng đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách bất cập. Việc này đã góp phần giữ kỷ cương, kỷ luật ngành ngân hàng. Một số vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được cơ quan này chuyển cơ quan điều tra.
Trong đó, quá trình thanh tra tại Agribank năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chuyển hồ sơ 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an. Các vụ việc này đã được cơ quan điều tra tiến hành tố tụng. Hàng chục cán bộ ngân hàng liên quan đã được đưa ra xét xử và đây là vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng.