Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Thanh tra Chính phủ: Tiêu cực xoay quanh lĩnh vực đất đai vẫn còn

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực Thanh tra ngày 5/11, về tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đúng như đại biểu đã phản ánh, vẫn còn có những vụ việc tiêu cực xảy ra, nhất là xoay quanh lĩnh vực đất đai…

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn

Cán bộ thanh tra không được giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra

Chất vấn tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) cho biết, việc chậm ban hành kết luận thanh tra có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra. Đại biểu Thủy đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra về việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) chất vấn tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) chất vấn tại hội trường

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi) trong đó có xây dựng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, đã được điều chỉnh với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 - 30 ngày.

Trước đây quy định tất cả các cuộc thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành, huyện đều là 15, hiện đã phân ra cuộc thanh tra của Chính phủ là 30 ngày và thanh tra quy mô phức tạp là 30 ngày.

Về việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay đặc biệt đối với Thanh tra Chính phủ, toàn bộ những cuộc thanh tra khi dự thảo kết luận phải báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến và xin ý kiến tham gia bộ, ngành, đối tượng thanh tra. Nhưng thời gian tới, việc sửa đổi Luật Thanh tra chỉ phải báo cáo trong trường hợp: cuộc thanh tra liên quan đến quốc phòng, an ninh; cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và cuộc thanh tra do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo.

Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành điều tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết 45, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra và có hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt, không chuyển các vụ việc vi phạm tội phạm sang cơ quan điều tra…

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra như: Cấm nhận quà, tiền giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức và nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong mong các đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra.

Một số kết luận thanh tra chưa đúng bản chất

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho biết, về nguyên nhân căn bản khiến kết luận thanh tra chậm trễ thường liên quan đến phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng, quyền lực càng tập trung càng có nguy cơ có tiêu cực. “Vậy tại sao chúng ta lại trao cho Tổng thanh tra Chính phủ ở cấp Trung ương, và Thủ trưởng cơ quan thanh tra ở địa phương được quyền quyết định Đoàn thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra? ”- đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) tranh luận
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) tranh luận

Theo đại biểu, cần phải phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ sử dụng quyền thủ trưởng của mình để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm và Trưởng Đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do nguyên nhân chủ quan, do nhiều cuộc thanh tra có quy mô hớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. Thanh tra Chính phủ sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.

Về vấn đề tập trung quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện tại Thanh tra Chính phủ đang thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trong lần sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.

Hiện nay Thanh tra Chính phủ có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.

Về giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.

Về vấn đề bảo đảm liêm chính trong đội ngũ ngành thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, đây là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đạo đức công vụ thanh tra. Tổng Thanh tra cho rằng, hiện nay, hàng lang pháp luật đang dần hoàn thiện để có cơ sở giám sát hoạt động đoàn thanh tra, hạn chế tình trạng vi phạm về đạo đức công vụ. Tới đây Luật Thanh tra sửa đổi sẽ quy định rõ hơn; rà soát và thực hiện quy chế ứng xử; phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thời gian qua có một số kết luận thanh tra chưa đúng bản chất. Nguyên nhân chủ quan là do ý thức chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra chưa cao; năng lực trình độ một số cán bộ còn kém; cơ chế chính sách còn bất cập, bên cạnh đó lãnh đạo của cơ quan thanh tra với đoàn thanh tra chưa quyết liệt; giám sát và thẩm định kết quả thanh tra còn hạn chế. Cần thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để nâng cao trình độ chuyên môn, siết chặt việc chấp hành kỷ luật, sửa đổi những cơ chế còn bất cập để giải quyết tình trạng này.

Về tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đúng như đại biểu đã phản ánh, vẫn còn có những vụ việc tiêu cực xảy ra, nhất là xoay quanh lĩnh vực đất đai, như đầu tư xây dựng có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thủ tục hải quan, cấp phép khai thác khoáng sản.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thanh tra cho rằng cần thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, tăng cường kiểm tra giám sát phát hiện xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.

Về vấn đề nhiều khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị nghiên cứu rà soát bất cập trong quy định để sửa đổi, chấn chỉnh công tác quy hoạch, hoàn thiện hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu về đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quản lý đất đai để xử lý nghiêm các vi phạm.