“Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng tôi quay trở lại TPP, tôi lại không thích thỏa thuận dành cho Mỹ”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 17/4.
Tổng thống Trump nói rằng “quá nhiều vấn đề" có thể xảy ra nếu gia nhập TPP mà lại không có đường ra nếu như hiệp định không hiệu quả. “Những thỏa thuận song phương hiệu quả, sinh lợi và tốt hơn nhiều cho những người lao động của chúng tôi, Cứ xem Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối xử với Mỹ như thế nào là biết”, ông Trump nói thêm.
Hiệp định TPP ban đầu gồm 12 nước trong đó có Mỹ - nhưng không có Hàn Quốc như Tổng thống Trump nói.
Trước đó, hôm 12/4, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu các cố vấn kinh tế hàng đầu xem xét về khả năng tái gia nhập vào thỏa thuận thương mại khổng lồ khu vực Thái Bình Dương. Theo Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Cố vấn Kinh tế trưởng, Larry Kudlow, và Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, cân nhắc về việc cố gắng tái gia nhập vào thỏa thuận TPP..
Tổng thống Trump cũng cho biết chỉ gia nhập TPP khi thỏa thuận dành cho Mỹ thật sự tốt hơn những gì được đề nghị cho chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên TPP cho biết họ phản đối bất kỳ quy trình thương lượng nào để làm thỏa lòng Mỹ, nếu Mỹ quyết định quay trở lại với thỏa thuận trong tương lai.
Các Bộ trưởng từ Nhật Bản, Australia và Malaysia hoan nghênh việc Tổng thống Trump chỉ đạo các quan chức cân nhắc khả năng quay trở lại với TPP. Tuy nhiên, họ cũng lên tiếng phản đối với việc thay đổi thỏa thuận. “Chúng tôi hoan nghênh Mỹ trở lại, nhưng tôi không nhận thấy sự cần thiết của việc tái thương lượng thỏa thuận TPP-11”, Bộ trưởng Thương mại Australia , Steven Ciobo, nói hôm 13/4.
Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng phụ trách về TPP của Nhật Bản, cũng cho biết sẽ rất khó để thay đổi thỏa thuân, gọi đây là một thỏa thuận đã cân bằng. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế của Malaysia , Mustapa Mohamed, cũng ủng hộ nhận định trên, cho rằng việc tái thương lượng sẽ tác động đến sự cân bằng lợi ích của các bên tham gia.
Sau sự rút lui của Mỹ, 11 nước còn lại (gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam) đã tích cực đàm phán và sửa đổi để đưa ra Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (hay còn gọi là TPP-11).