Phát biểu tại một nhà máy sản xuất ôtô ở bang Michigan nhằm quảng cáo chủ trương của Nhà Trắng cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và người thu nhập thấp trong khi tăng thuế đối với những người giàu, Tổng thống Obama nhấn mạnh sẽ tiếp tục đàm phán với các nghị sỹ đảng Cộng hòa để có thể đưa ra một kế hoạch hợp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định sẽ không có sự thỏa hiệp đối với việc cắt giảm hoạt động đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, cầu đường và giáo dục -những lĩnh vực giúp tạo tính cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như việc tăng thuế đối với thiểu số 2% những người giàu nhất nước Mỹ.
Ông Obama đồng thời vẽ ra một viễn cảnh "ảm đạm" nếu các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và Quốc hội về các chính sách tài chính thất bại, theo đó nguồn thu nhập của người dân giảm sút sẽ kéo theo chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, lượng khách hàng của các doanh nghiệp cũng giảm đi và nền kinh tế sẽ dần rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, Nhà Trắng và văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cùng ngày cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán mới nhằm thảo luận một giải pháp giúp nước Mỹ tránh va vào "vách đá tài chính" khi chính sách tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu liên bang trị giá 600 tỷ USD có hiệu lực vào đầu năm 2013.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên sẵn sàng nhượng bộ cũng như thu hẹp những bất đồng xung quanh vấn đề thuế khóa và chính sách tài chính.
Trước đó, ngày 9/12, Tổng thống Obama cũng đã gặp Chủ tịch Hạ viện Boehner tại Nhà Trắng để thảo luận những biện pháp giúp nước Mỹ vượt qua "vách đá tài chính." Thông tin chi tiết về cuộc gặp không được công bố, tuy nhiên, đại diện từ cả hai phía khẳng định "hai bên vẫn đang tiếp tục đối thoại."
Mâu thuẫn chủ yếu giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ với phe Cộng hòa xoay quanh việc cắt giảm chi tiêu ngân sách phải đồng thời với việc tăng hoặc giảm thuế thu nhập của người dân. Trong khi ông Obama muốn gia hạn chương trình giảm thuế từ thời cựu Tổng thống George Bush đối với tầng lớp trung lưu và người nghèo song tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu, phe Cộng hòa chủ trương giảm thuế cho tất cả người dân và tăng cường cắt giảm chi tiêu cho các chương trình xã hội.
Trong bối cảnh chỉ còn ba tuần nữa là hết năm, các nhà đầu tư chứng khoán vẫn tiếp tục chờ đợi những động thái mới nhất từ các cuộc đàm phán ngân sách giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/12, chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 0,48 điểm, lên mức 1.418,55 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 14,75 điểm, đóng cửa ở mức 13.169,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 8,92 điểm, chốt phiên ở mức 2.986,96 điểm.
Giới phân tích nhận định chứng khoán Mỹ tăng phiên đầu tuần là nhờ các số liệu khả quan tại Trung Quốc và Đức. Theo đó, số liệu công bố cuối tuần qua cho thấy sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng hơn 10% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng tăng 0,3% trong tháng 10, sau khi sụt giảm 2,4% trong tháng Chín.
Dự kiến, trong ngày 11/12, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiến hành cuộc họp cuối năm nhằm thảo luận về các chính sách tài chính. Các nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng việc FED sẽ tiếp tục mở rộng chương trình nới lỏng định lượng lần ba (QE3) sang năm sau nhằm giúp nước Mỹ đối phó với "vách đá tài chính".