70 năm giải phóng Thủ đô

Tổng thống Mỹ thăm châu Phi: Tái khẳng định sự hiện diện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ 26/6 – 3/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến công đầu tiên tới châu Phi kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 năm 2012. Chuyến thăm kéo dài 8 ngày với 3 điểm dừng chân lần lượt là Senegal, Nam Phi và Tanzania được coi là thông điệp tái khẳng định tầm quan trọng của châu lục này trong chính sách ngoại giao của Washington.

 Theo đó, dù đang chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng Mỹ vẫn coi trọng việc tăng cường quan hệ với các nước thuộc lục địa Đen.
 
Châu Phi hiện đang nổi lên trở thành một trong những khu vực quan trọng nhất của thế giới với sự có mặt của hàng loạt tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU). Với dân số đông thứ hai thế giới, sau châu Á và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, trong đó có 17 loại khoáng sản có trữ lượng đứng đầu thế giới như kim cương, côban, vàng, urani, dầu mỏ… châu Phi đang nổi lên với tư cách là khu vực có sự bùng nổ về tăng triển kinh tế. Và nếu không nhanh chân khẳng định sự hiện diện tại đây, Mỹ sẽ trở thành người đến sau trong cuộc chơi tại lục địa đen.
 
Theo thống kê, kim ngạch buôn bán hai chiều của Trung Quốc từ năm 2000 - 2012 đã tăng từ 11 tỷ USD lên 200 tỷ USD, gấp hơn hai lần tổng kim ngạch buôn bán của Mỹ với châu lục này. Trong khi đó, ông Obama – Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ lại bị đánh giá là chưa quan tâm xứng đáng đến vị thế của lục địa Đen.
 
Trên thực tế, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama chỉ thực hiện một chuyến thăm chớp nhoáng tới Gana, làm thất vọng các nhà lãnh đạo của châu lục này vì trước đó họ từng hy vọng ông Obama, chính khách da màu đầu tiên lên làm ông chủ Nhà Trắng, sẽ có sự quan tâm đặc biệt tới châu lục Đen. Và để xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược song phương với Senegal, Nam Phi và Tanzania, trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo những quốc gia này, Tổng thống Obama cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế, gia tăng trao đổi thương mại, đầu tư, bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo đói và bệnh tật, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, chống khủng bố...