Việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa trong khoảng thời gian ngắn và lại còn cả ngay trước khi diễn ra sự chuyển giao quyền lực giữa tổng thống cũ và tổng thống mới ở Hàn Quốc là một trong những lý do tác động mạnh mẽ tới việc Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du đầu tiên đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương quyết định thăm chính thức Hàn Quốc.
Ông Biden lại còn đến Hàn Quốc trước khi tới thăm Nhật Bản và tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - còn được gọi là "Bộ tứ Kim cương" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Biden muốn trấn an hai đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á, khẳng định cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống trước mọi thách thức và đe dọa an ninh từ cả phía Triều Tiên lẫn phía Trung Quốc.
Ở Hàn Quốc, ông Biden và tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thỏa thuận tăng cường và mở rộng tập trận quân sự chung cũng như tăng cường tiềm lực tên lửa và không quân cho Hàn Quốc chứ không chỉ có kêu gọi Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa. Tinh thần của thỏa thuận này rất hợp với những tuyên bố và phát ngôn của ông Yoon Suk-yeol từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Hàn Quốc là sẽ theo đuổi quan điểm chính sách cứng rắn hơn hẳn người tiền nhiệm đối với Triều Tiên.
Thỏa thuận nói trên hàm ý thông điệp cảnh báo và răn đe rất rõ ràng đối với Triều Tiên và nhằm vào vấn đề thuộc diện Triều Tiên lâu nay coi là nhạy cảm nhất và phản ứng quyết liệt nhất là tập trận chung giữa Mỹ với Hàn Quốc và giữa ba đồng minh quân sự chiến lược truyền thống này ở khu vực Đông Bắc Á.
Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức chuyển sang thực thi đối sách "dùng cương chế cương" để đối phó việc Triều Tiên tăng cường phóng tên lửa và để răn đe Triều Tiên chớ có lại thử hạt nhân. Triều Tiên hiện rất bận rộn với việc ứng phó dịch bệnh, nhưng phản ứng về thỏa thuận mới này của Mỹ và Hàn Quốc chắc chắn sẽ rất quyết liệt và sẽ không để phải chờ đợi lâu.