Các ứng cử viên tổng thống hàng đầu, gồm Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, đều hạn chế đề cập đến thâm hụt ngân sách quốc gia trong quá trình vận động tranh cử, cho thấy vấn đề kinh tế sẽ tiếp tục là một trong những thách thức mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt những năm tới.
Theo New York Times, báo cáo hàng ngày về bảng cân đối kế toán quốc gia của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy nợ công nước này đã vượt mức 35.000 tỷ USD cuối tuần qua.
Đây là một dấu hiệu đáng báo động, do mức độ gia tăng nợ công ở Mỹ đang nhanh hơn dự đoán của các nhà kinh tế, trong bối cảnh chi phí thực tế dành cho các chương trình cấp liên bang những năm gần đây đã cao hơn dự toán.
“Hôm nay, chúng ta chứng kiến một cột mốc đáng lo ngại khác trong bối cảnh tình hình tài chính suy giảm của nền kinh tế lớn nhất thế giới,” nghị sĩ Jodey Arrington, Chủ tịch Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ, cho biết. Ông cũng kêu gọi tăng cường trách nhiệm tài khóa và chi tiêu để khắc phục tình trạng nợ công tăng chóng mặt.
Tháng trước, Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ từng cảnh báo nợ công có thể lên tới 56 nghìn tỷ USD vào năm 2034, do chi tiêu và chi phí lãi vay vượt quá nguồn thu từ thuế.
Lãi suất cao khiến Chính phủ Mỹ khó khăn hơn trong việc quản lý nợ. Một số chương trình cấp liên bang được tiến hành trong thời kỳ đại dịch Covid-19, như tín dụng thuế hỗ trợ doanh nghiệp, đã trở nên tốn kém hơn so với ước tính. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng thuế thông qua Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 cũng lớn hơn dự kiến, góp phần tăng mức thâm hụt hàng năm.
Nợ quốc gia Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump - người từng nhiều lần cam kết cắt giảm nợ trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Khi cựu Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở, nợ công của Mỹ đã tăng thêm 8.400 tỉ USD lên 27.700 tỉ USD, với hơn một nửa số tiền vay liên quan đến các biện pháp chống dịch Covid-19.
Xu hướng này được tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tháng 1/2023, Mỹ đã vượt trần nợ công được pháp luật ấn định ở mức 31.400 tỉ USD. Sau nhiều tháng cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ từ Bộ tài chính, Tổng thống Biden phải ký ban hành đạo luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ cho đến tháng 1/2025. Điều này cho phép chính phủ tiếp tục vay không hạn chế trong năm tới.
Theo tính toán của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, với mức nợ quốc gia như hiện tại, mỗi người dân Mỹ phải gánh số nợ gần 105.000 USD, mỗi hộ gia đình là hơn 266.000 USD và mỗi trẻ em là gần 484.000 USD. Trong 12 tháng qua, mức nợ đã tăng thêm 2.350 tỉ USD, với tốc độ tăng tương đương 74.401 USD nợ mới mỗi giây.
“Sự lệch lạc” liên tục trong chính sách tài khóa của Mỹ bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích mạnh mẽ vào cuối tháng trước.
“Những thâm hụt ngân sách và nợ công cao như vậy làm tăng thêm những rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm phát, cũng như sự ổn định ngân sách và tình hình tài chính trong dài hạn của nền kinh tế toàn cầu,” IMF cảnh báo trong một tuyên bố được báo Financial Times trích dẫn.
Tổ chức này cũng cho rằng, “những thâm hụt tài khóa kinh niên này là một sự lệch lạc chính sách nghiêm trọng và dai dẳng cần được giải quyết một cách khẩn cấp”.