Tổng thống Myanmar ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh rằng đối thoại chính trị vốn rất cần thiết cho hòa giải quốc gia và là nền tảng của tiến trình hòa bình dân tộc sẽ cần tới sửa đổi hay điều chỉnh Hiến pháp.

Trong bài phát biểu hàng tháng phát sóng trên đài phát thanh nhà nước ngày 2/1, Tổng thống Myanmar U Thein Sein bày tỏ tin tưởng rằng Hiến pháp cần phải được sửa đổi để giải quyết các nhu cầu của xã hội, kinh tế quốc gia.

Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh rằng đối thoại chính trị vốn rất cần thiết cho hòa giải quốc gia và là nền tảng của tiến trình hòa bình dân tộc sẽ cần tới sửa đổi hay điều chỉnh Hiến pháp.
Siêu thị ở Yangon. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Siêu thị ở Yangon. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Ông nói: "Tôi không muốn áp đặt hạn chế về quyền của bất kỳ công dân nào muốn trở thành nhà lãnh đạo đất nước."

Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Thein Sein cho biết việc sửa đổi Hiến pháp sẽ được thực hiện để tạo thuận lợi cho hòa giải dân tộc, đặt nền tảng cho tiến trình hòa bình quốc gia thông qua sự đồng thuận dựa trên sự hiểu biết chung và lắng nghe yêu cầu của mỗi bên.

Ông cho biết thêm rằng một cuộc thảo luận về vấn đề sửa đổi Hiến pháp và các vấn đề liên quan khác hiện đang được thảo luận và tranh luận công khai trong dân chúng.

Theo ông, nhóm chính trị chính là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi dẫn đầu và các chính đảng khác cũng phải tích cực tổ chức các diễn đàn và míttinh để thảo luận về sửa đổi Hiến pháp.

Trước đó, ngày 31/12, đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền ở Myanmar đã đề nghị sửa đổi 73 điều và hủy bỏ 21 điều trong Hiến pháp năm 2008 trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Trong đề xuất sửa đổi có Mục 59-f trong Hiến pháp vốn được đưa ra nhằm ngăn cản thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống.

Việc sửa đổi sẽ mở đường cho bà San Suu Kyi đủ tư cách pháp nhân để tham gia tranh cử tổng thống, theo đó cho phép hai con trai bà được cấp quốc tịch Myanmar vì chồng bà, một học giả người Anh, đã qua đời.

NLD đối lập của bà San Suu Kyi tuyên bố sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2015 bất chấp việc Hiến pháp 2008 có được sửa đổi hay không.