Tổng thống Putin cảnh báo 'hậu quả thảm khốc' sau đòn trừng phạt của phương Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc phương Tây tiếp tục sử dụng các lệnh trừng phạt chống Moscow có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

"Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ mang đến tổn thất lớn hơn nhiều cho các quốc gia áp đặt chúng," Tổng thống Putin nói trong cuộc họp với các quan chức ngày 8/7.

"Tiếp tục sử dụng chính sách trừng phạt có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn, thậm chí không phải là phóng đại khi gọi là thảm khốc, trên thị trường năng lượng thế giới," ông Putin cho biết.

Theo hãng tin Tass, người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng các nước châu Âu đang cố gắng thay thế các nguồn năng lượng của Nga, và điều này sẽ đẩy giá nhiên liệu tăng cao.

"Châu Âu đang cố gắng thay thế các nguồn cung năng lượng từ Nga, nhưng có thể dự đoán hậu quả của hành động này. Giá khí đốt trên thị trường và chi phí sử dụng năng lượng của người dùng cuối, trong đó có các hộ gia đình tăng lên," ông Putin cho hay.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng điều này cho thấy các biện pháp gây áp lực kinh tế chống Nga đang phản tác dụng.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga bác bỏ những tuyên bố nói rằng Moscow đang sử dụng khí đốt hoặc dầu mỏ như một "vũ khí gây áp lực chính trị".

Ông Peskov cũng khẳng định Nga luôn thực hiện đúng các cam kết trong trong hợp đồng năng lượng với các nước.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine” ngày 24/2, các nước phương Tây áp loạt lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực lên Moscow. Liên minh châu Âu (EU) thông qua 6 gói trừng phạt, trong đó có lệnh cấm vận đối với than và dầu Nga.

Về phần mình, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan, sau khi các quốc gia này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Nga cũng thông báo giảm 60% nguồn cung khí đốt cho Đức do vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, Đức chỉ trích đây là động thái "trả đũa chính trị" của Nga.