Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov (bên trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và nhà lãnh đạo Serbi Aleksandar Vucic dự lễ khánh thành dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/1. |
Ngày 8/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dự lễ khai trương tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm hội nghị quốc gia ở thủ đô Istanbul.
Phái đoàn Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ dự lễ khánh thành dự án khí đốt quan trọng này gồm Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak và Giám đốc điều hành của công ty năng lượng quốc gia Nga Gazprom Alexei Miller.
Ngoài ra, Tổng thống Serbi Alexanderar Vucic và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cũng tham dự buổi lễ được tổ chức tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là một dự án tham vọng từ Nga băng qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, nhưng nay đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez từng khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành một "trung tâm năng lượng", sẽ củng cố vị thế quốc tế của Ankara bằng cách trở thành một quốc gia trung chuyển khí đốt tự nhiên đến châu Âu, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kết nối Nga với phía châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và biên giới Hy Lạp thông qua đáy Biển Đen với 2 đường ống có công suất 15,75 tỷ mét khối mỗi ống. Một đường dự định vận chuyển khí từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và đường thứ 2 là cung cấp cho miền Nam và Đông Nam châu Âu. Tập đoàn Gazprom đánh giá Hy Lạp, Italia, Bulgaria, Serbia và Hungary là thị trường khí đốt tiềm năng của Nga.
Bulgaria đã bắt đầu nhận khí đốt của Nga thông qua tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1/1 vừa qua, trong khi Bắc Macedonia và Hy Lạp bắt đầu nhận khí đốt của Moscow từ ngày 5/ 1 thông qua trạm nén khí của Strandja-2 tại Bulgaria.
Các cuộc thảo luận giữa công ty dầu khí quốc gia Bulgartransgaz và tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga về việc vận chuyển khí đốt sang Bulgaria đã diễn ra vào cuối năm 2019. Theo thỏa thuận đạt được, hàng năm Bulgaria sẽ nhận được 2,9 tỷ mét khối khí thông qua trạm trung chuyển khí đốt Strandja-2.