Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Putin là "vua mới" ở Syria không hẳn nhờ nước Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tiêu đề bài xã luận trên tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 17/10 đã gọi ông chủ điện Kremlin là "quốc vương mới của Syria".

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước khi kết luận rằng tất cả đều xuất phát từ việc Tổng thống Donald Trump rút 1.000 lính Mỹ khỏi Syria, không ai có thể phủ nhận tài ngoại giao khéo léo của ông Putin. Như tờ Telegrah của Anh thừa nhận, sức nặng của Tổng thống Nga đã không thể đo lường bởi những con số.
Ông Putin luôn hòa đồng với mọi người và không ngại phải đứng giữa những đối thủ truyền kiếp của nhau. Ông được Lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini chào đón ở Iran dù vẫn thường xuyên gặp gỡ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Là một đồng minh thân cận của Chính phủ Syria Bashar al-Assad nhưng tuần này, ông chủ Điện Kremlin vẫn được mời tới Ả Rập Saudi để trò chuyện cùng Hoàng gia.
Tuy nhiên, với vai trò là "người môi giới quyền lực ở Trung Đông" như truyền thông phương Tây những ngày qua đánh giá, một điểm "bất thường" của Nga, dưới thời Tổng thống Putin, tại khu vực này đã được lưu ý.
Quân đội Nga chỉ có một căn cứ hải quân duy nhất là Tartus ở Syria, có từ những năm 1970, và một căn cứ không quân mới, Khmeimim, tại quốc gia Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ có 7 đồng minh NATO trên Địa Trung Hải - gồm Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Croatia, Albania, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - và 2 trên Biển Đen là Romania và Bulgaria. Lực lượng và căn cứ quân sự Mỹ cũng hiện diện ở Afghanistan, Iraq, Bahrain, Ả Rập Saudi, Qatar, Oman và Djibouti. Nga tuyệt nhiên không có những căn cứ như vậy ở Trung Đông hay Vịnh Ba Tư.
Tổng thống Putin phát biểu trước các binh sĩ Nga tại căn cứ Khmeimim ở Syria. 
Thêm vào đó, Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi nền kinh tế Nga nhỏ hơn Italia, nghĩa là chưa bằng 1/10 Mỹ.
Và giờ đây, khi Washington đã bỏ người Kurd để rút khỏi cuộc nội chiến ở Syria, Moscow vẫn tự tin lấp chỗ trống tại miền Bắc để ngăn cách Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Putin đang làm cầu nối giữa 2 nhà lãnh đạo cứng rắn nhất nhì Trung Đông hiện nay: Tổng thống Tayyip Erdogan - người đang yêu cầu một dải biên giới Syria sâu hơn 30km để giữ cho người Kurd nước này không đoàn kết với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ - và Tổng thống Bashar Assad nhất định bảo vệ từng tấc chủ quyền quốc gia Syria trong 8 năm qua.
Hòa giải những nhu cầu của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ dường như là nhiệm vụ có thể mang lại giải Nobel hòa bình cho bất cứ ai thành công lúc này. Cây bút của Wall Street Journal hẳn có hàm ý khi gọi Tổng thống Putin là "quốc vương mới tại Syria".
Cần lưu ý thêm, Syria hiện nay vẫn còn sự hiện diện của Hezbollah, al-Qaida, IS, người Kurd... ở biên giới phía Bắc và Israel trên Cao nguyên Golan. 500.000 người dân nước này đã chết trong nội chiến, trong khi hàng triệu người khác đang lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và Châu Âu.
2 nhà lãnh đạo Nga và Syria thể hiện tình đồng minh bền chặt trong lần gặp gỡ tại Moscow.
Từ đó, giới chuyên gia nhận định, nếu ông Putin thực sự là "vua" của Syria thì điều này cũng là bởi ông đã sẵn sàng trả giá bằng tiền của và máu để giữ nước Nga của mình trên Địa Trung Hải, cũng như sát cánh với đồng minh Assad - người chắc chắn sẽ gặp nguy nếu không có ông.
Nói cách khác, ngôi vị đế vương là "phần thưởng" danh xưng xứng đáng cho những gì Tổng thống Nga Putin hành động.