Thượng viện Mỹ ngày 27/7 đã thông qua dự luật trừng phạt Nga với số phiếu áp đảo 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống.
Trước đó, dự luật này đã được Hạ viện đồng lòng thông qua hôm thứ 3 vừa qua với tỷ lệ 419 phiếu thuận, 3 phiếu chống.
Thượng viện Mỹ ngày 27/7 thông qua dự luật trừng phạt Nga với số phiếu áp đảo 98 phiếu thuận/2 phiếu chống. Ảnh: Sputnik |
Phản ứng về động thái này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/7 lên án dự luật trừng phạt Nga của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt này đối với Nga.
“Nga đang kiềm chế và kiên nhẫn, nhưng đôi khi chúng ta phải có hành động đáp trả. Không thể bỏ qua mãi sự khiếm nhã trong quan hệ với đất nước chúng ta”, ông Putin nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trong chuyến thăm nước này.
Theo ông Putin, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tịch thu 2 tòa nhà ngoại giao và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga hồi cuối năm 2016 là đã quá giới hạn, đừng nói chuyện trừng phạt này nữa. Tuy nhiên, ông Putin cho biết Nga sẽ chỉ quyết các biện pháp trả đũa một khi Mỹ chính thức thông qua luật trừng phạt Nga.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng dự luật trừng phạt mà Mỹ đang xem xét là sử dụng các lợi thế cạnh tranh địa chính trị để đạt được lợi ích cho Wasington bằng chi phí của các đồng minh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng những lệnh trừng phạt mới “khá đáng buồn xét về quan hệ Nga-Mỹ và viễn cảnh để phát triển, bên cạnh đó từ phương diện luật quốc tế và ngoại thương cũng đáng thất vọng”. Ông Peskov đồng thời khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ quyết định về phương thức phản ứng nếu dự luật trừng phạt mới được Mỹ ban hành chính thức.
Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: AP |
Ngày 26/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nêu rõ: “Nếu quan ngại của chúng tôi không được xem xét, chỉ trong thời gian vài ngày, chúng sẵn sàng đứng lên hành động thích đáng”. Chính phủ Đức cũng kiên quyết phản đối dự luật này. "Chúng tôi cho rằng ngành công nghiệp châu Âu không nên trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ Mỹ", phát ngôn viên của Chính phủ Đức nói trong một cuộc họp tại Berlin ngày 27/7.