"Tôi đã quyết định thực hiện các biện pháp trong thời gian ngắn nhất để chuyển thanh toán khí đốt mà chúng ta cung cấp cho các nước không thân thiện sang đồng rúp," Tổng thống Putin nói trong cuộc họp chính phủ được phát sóng truyền hình hôm 23/3, theo Tass.
Ông Putin lưu ý, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho các nước khác theo khối lượng và giá cả quy định trong các hợp đồng đã ký trước đó. “Nga đương nhiên sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên với khối lượng và giá cả được quy định trong những hợp đồng đã ký kết. Thay đổi duy nhất là việc đồng tiền thanh toán sẽ được chuyển sang rúp”- người đứng đầu Điện Kremlin nói.
Nhà lãnh đạo Nga giao thời hạn một tuần để chính phủ và ngân hàng trung ương nước này lên phương án thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, trong khi đó, tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom được lệnh đưa thay đổi này vào các hợp đồng.
Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt được cho là mạnh nhất đối với Nga “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Tuy nhiên, do phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga để sưởi ấm và sản xuất điện, hiện Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất về việc cấm vận ngành năng lượng Nga.
Giá gas tại châu Âu sau đó tăng mạnh do lo ngại thiếu nguồn cung. Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu leo dốc hơn 30% trong ngày thứ Tư.
Theo Reuters, tuyên bố của ông Putin lập tức vấp phải phản ứng. Bộ trưởng Tài chính Đức Robert Habeck cho rằng yêu cầu của ông Putin vi phạm hợp đồng vì tiền giao dịch khí đốt phần lớn được trả bằng euro. Các bên khác mua gas từ Nga cũng có thái độ tương tự. “Điều này sẽ vi phạm quy định thanh toán được đặt ra trong hợp đồng hiện tại," một nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ba Lan nói.
Người phát ngôn của công ty năng lượng Hà Lan Eneco, hiện đang mua 15% khí đốt từ tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, cho biết họ sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện yêu cầu mới khi đang có hợp đồng mua khí đốt dài hạn bằng đồng euro.
Theo hãng khí đốt nhà nước Gazprom của Nga, 58% lượng gas tự nhiên bán cho châu Âu và các nước khác được trả bằng đồng euro, tính tới ngày 27/1. Đồng bạc xanh chiếm khoảng 39% tổng doanh thu ròng, bảng Anh chiếm khoảng 3%.
Giới phân tích cho rằng, động thái trên là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm gây áp lực đối với phương Tây nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt.
Trước đó, Nga đã công bố danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Moscow coi là "không thân thiện" do áp đặt hoặc tham gia trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Danh sách này gồm Mỹ, Canada, các nước EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.