Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Ukraine toan tính riêng trong căng thẳng ở Biển Đen?

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ukraine hôm 27/11 đã đưa ra thiết quân luật trong vòng 30 ngày sau vụ đụng độ với tàu Nga trên Biển Đen cuối tuần qua.

 Ảnh từ video clip cho thấy tàu Nga và tàu Ukraine đụng độ nguy hiểm trên Biển Đen hôm 25/11. 

Luật được áp dụng tại các khu vực dễ bị tấn công từ Nga sau khi Tổng thống Petro Poroshenko cảnh báo về mối đe dọa bị xâm lược “nghiêm trọng” sau vụ đụng độ với tàu Nga trên Biển Đen hôm 25/11.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết ông không vui trước những gì xảy ra giữa  Nga và Ukraine, đồng thời đang làm việc với các lãnh đạo châu Âu về vụ việc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi việc Nga bắt giữ các tàu Ukraine là “leo thang nguy hiểm và vi phạm luật quốc tế”, kêu gọi hai bên kiềm chế.

“Mỹ phản đối hành động hung hăng này của Nga. Chúng tôi kêu gọi Nga trao trả tàu và thuyền viên cho Ukraine cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”, ông Pompeo phát biểu.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, ông Pompeo đã điện đàm với Tổng thống Poroshenko, theo đó nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước “sự hung hăng” của Nga.  

Quốc hội Ukraine đã thông qua việc đưa ra thiết quân luật sau khi ông Poroshenko trấn an một số nhà lập pháp còn hoài nghi, rằng luật này không nhằm hạn chế quyền tự do dân sự hay trì hoãn các cuộc bầu cử trong năm tới.

Quan hệ của Kiev với Moscow vẫn “nóng lạnh” kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và ủng hộ phe nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine, cuộc khủng hoảng đe dọa đẩy hai nước vào cuộc xung đột có phạm vi rộng hơn.

Trong cuộc điện đàm với ông Poroshenko, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cam kết "hỗ trợ Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền”. Ukraine hiện chưa là thành viên NATO dù Kiev từng tỏ ý muốn tham gia khối này.

Đặc sứ của Washington tại Liên Hợp quốc, bà Nikki Haley, cho biết hành động của Nga là “vi phạm lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine một cách quá đáng” và các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ vẫn duy trì.

Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Canada đều lên án hành động của Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại giữa hai bên.

Theo Reuters, cuộc “nổi dậy” ở biển Azov đang dễ dàng bùng phát hơn lúc nào hết trong suốt 4 năm qua do Ukraine đã xây dựng lại lực lượng vũ trang với thế hệ chỉ huy mới tự tin và có năng lực.

“Khiêu khích có chủ ý”

Bộ Ngoại giao Nga đổ lỗi cho Kiev về cuộc khủng hoảng.

"Rõ ràng là sự khiêu khích này đã được cân nhắc cẩn thận và có kế hoạch nhằm dấy lên căng thẳng trong khu vực, tạo lý do để đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt chống lại Nga", theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Động thái này sẽ gây "những hậu quả nghiêm trọng", tuyên bố cho biết, đồng thời khẳng định Kiev đang “thông đồng” với Mỹ và Liên minh châu Âu.

Nga đã triệu tập các nhà ngoại giao cấp cao tại đại sứ quán của Kiev tại Moscow liên quan tới vụ việc, Bộ Ngoại giao cho biết.

Trong khi đó, tại Ukraine, Tổng thống Poroshenko khẳng định dữ liệu tình báo cho thấy có "mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng" từ Nga đối với lục địa Ukraine.

Ông cũng phủ nhận "sự đầu cơ bẩn thỉu", mà giới phân tích cho rằng ông muốn sử dụng thiết quân luật đề xuất trong vụ khủng hoảng lần này, nhằm trì hoãn cuộc bầu cử gay gắt trong năm tới, mà các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy ông đang phải vất vả để rượt đuổi các đối thủ.

Trong khi đó, đồng Ruble của Nga đã giảm 1,4% so với đồng bạc xanh ở Moscow hôm 26/11, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 9/11.

Thị trường rất nhạy cảm với những diễn biến có thể kích hoạt các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây, gây suy yếu cho nền kinh tế Nga. Việc giá dầu - nguồn doanh thu lớn nhất của Nga lao dốc gần đây, đã khiến cho nền kinh tế Moscow trở nên dễ tổn thương.

Cuộc khủng hoảng giữa Kiev và Moscow nổ ra khi các tàu tuần tra biên giới thuộc cơ quan an ninh FSB của Nga bắt giữ hai tàu pháo bọc thép của Ukraine và một tàu kéo sau khi tấn công bằng vũ khí và làm bị thương ba thuyền viên hôm 25/11.

Các tàu Ukraine đã cố gắng tiếp cận biển Azov từ Biển Đen qua eo biển Kerch hẹp phân cách Crimea và Nga.