Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu trước báo giới, ông Ban Ki-moon kêu gọi chính quyền và các phe phái ở Syria cũng như các nước láng giềng có nhiều ảnh hưởng đối với Damascus và các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng hợp tác thiện chí, thu hẹp những bất đồng nhằm tìm kiếm một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: THX/TTXVN).
Ông nêu rõ những bất đồng giữa các bên trong cuộc cũng như quan điểm trái chiều giữa các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an đang là trở ngại chính trong tiến trình tìm giải pháp cho vấn đề Syria. Theo ông, chừng nào những bất đồng chưa được giải quyết, cộng đồng quốc tế sẽ không thể trông chờ vào một giải pháp hòa bình và toàn diện cho vấn đề này.
Ông Ban Ki-moon cho biết bất chấp những khó khăn và trở ngại, thông qua Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nỗ lực tìm cách sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.
Trước mắt, ông Brahimi sẽ có các cuộc làm việc với Hội đồng Bảo an và tiếp xúc rộng rãi với các bên ở Syria cũng như các quốc gia có liên quan để hướng tới một lập trường chung.
Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh mọi nỗ lực chỉ có thể thành công khi các bên liên quan ở Syria mong muốn chấm dứt xung đột và có thái độ xây dựng trong việc ổn định tình hình đất nước.
Ông nêu rõ cộng đồng quốc tế không chấp nhận bất cứ lời biện minh nào cho việc sử dụng vũ lực để chống lại những người dân vô tội, đồng thời kêu gọi cả chính phủ lẫn phe đối lập ở Syria tạo mọi điều kiện thuận lợi cần thiết để các tổ chức cứu trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ đưa hàng viện trợ nhân đạo cứu giúp hàng triệu nạn nhân của cuộc xung đột này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông Syria Omran al-Zoubi, trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước tối 8/2, cho biết chính phủ Syria sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng với tất cả các bên với điều kiện các nhóm vũ trang ở Syria phải hạ vũ khí trước khi tạm ngừng các chiến dịch quân sự để bắt đầu cuộc đối thoại.
Theo ông An Dubi, các nhóm vũ trang cần cam kết chấm dứt bạo lực dưới mọi hình thức để tiến trình đối thoại đạt kết quả. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc các nước trong khu vực cam kết chấm dứt cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang sẽ giúp cho tiến trình chính trị này thành công.