Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thu từ du lịch đạt cao nhất từ trước tới nay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014, du lịch Việt Nam đón 7.874.312 lượt khách quốc tế, phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt 230.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013. Con số này đánh dấu mức tăng trưởng doanh thu từ du lịch cao nhất từ trước tới nay.

Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tốc độ tăng trưởng về tổng thu từ khách du lịch cao hơn tốc độ tăng trưởng về lượng khách cho thấy vấn đề chất lượng của ngành du lịch đã được chú trọng và cải thiện một bước.

Năm 2014 được xem là năm nổi bật với nhiều thành công của ngành du lịch. Năm Du lịch quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt đã làm nổi bật lên hình ảnh vùng đất du lịch Tây Nguyên, mở cơ hội mới cho Tây Nguyên khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế nhằm sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.
Khách du lịch tham quan bản làng Tây Nguyên trên lưng voi. (Nguồn: Internet)
Khách du lịch tham quan bản làng Tây Nguyên trên lưng voi. (Nguồn: Internet)
Nhiều cơ sở lưu trú cao cấp 4 - 5 sao với quy mô lớn được đưa vào khai thác như chuỗi khách sạn Mường Thanh, Vinpearl Phú Quốc, Keang Nam…góp phần nâng chất lượng dịch vụ du lịch lên tầm cao mới.

Nhiều thương hiệu du lịch đã được khẳng định như InterContinental Danang Sun Penninsula Resort tại Đà Nẵng đạt giải thưởng World Travel Awards với danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới”, Vietravel đạt 2 danh hiệu “Vietnam’s Leading Tour Operator”, “Vietnam’s Leading Travel Agency”. Giải thưởng của World Travel Awards được coi là “Oscar”của ngành công nghiệp du lịch thế giới.

Những thay đổi theo hướng tập trung vào chất lượng dịch vụ bước đầu đã được khẳng định qua việc Việt Nam được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn xếp vị trí thứ 3 trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015.

Tuy nhiên, với ngành du lịch, năm 2015 được xem là năm còn nhiều khó khăn với kinh tế của nhiều quốc gia, khu vực, nguy cơ xung đột, căng thẳng chính trị sẽ ảnh hưởng tới du lịch thế giới, khu vực và Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực được nhận định sẽ càng gay gắt hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong khu vực năng động của du lịch thế giới, vị trí địa lý gần nhiều thị trường nguồn du lịch quan trọng có nhiều sản phẩm mới, có sức hấp dẫn cả về cảnh quan và văn hóa.

Đứng trước thực tế này, Chiến lược quy hoạch du lịch định hướng phát triển cho 7 vùng du lịch cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ. Quy hoạch tổng thể 2 khu du lịch Quốc gia đầu tiên là Mộc Châu-Sơn La và Núi Bà Đen-Tây Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều này xuất phát từ tình hình căng thẳng tại biển Đông đã gây ra tác động làm sụt giảm lượng khách du lịch những tháng giữa năm. Thêm vào đó, những biến động chính trị Nga-Ucraina đã ảnh hưởng không nhỏ đến 2 thị trường chính đưa khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc.

Trên thực tế, những chuyến bay thuê bao đưa khách du lịch Nga đến Phú Quốc và TPHCM sẽ tạm ngưng từ giữa tháng 1/2015 do vắng khách.Để tránh bị suy giảm khách thời gian tới, Ấn Độ, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ.... đang được đánh giá là thị trường gửi khách có nhiều tín hiệu tích cực bên cạnh những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việc mở các đường bay thẳng sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trong đó có du lịch. Hiện, Jet Airways đã mở đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng đang xem xét kế hoạch có đường bay thẳng nối các thành phố lớn của Việt Nam và Ấn Độ.

Để tiếp cận khai thác tốt thị trường tiềm năng này, Tổng cục Du lịch đã xây dựng kế hoạch quảng bá Du lịch Việt Nam tại thị trường Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2020 tập trung phát động thị trường, giới thiệu điểm đến sản phẩm du lịch Việt Nam, tham gia hội chợ du lịch tại Ấn Độ, xúc tiến ẩm thực, quảng bá du lịch gắn với những sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế... Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là tăng tăng lượng khách từ thị trường Ấn Độ đến Việt Nam trung bình hàng năm từ 25 - 30%.

Để đạt mục tiêu này, khởi đầu từ năm 2015 - 2020, Việt Nam sẽ đón các đoàn doanh nghiệp du lịch Ấn Độ đến từ 10 hãng lữ hành hàng đầu tới Hà Nội, Ninh Bình và Sapa cùng các tờ báo tiếng Anh nhiều người Ấn Độ đọc nhất như The Times of India, The Telegraph, The Economic Times, Hindu Business Line...

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2016, Việt Nam sẽ đón đoàn làm phim Bollywood và những ngôi sao giải trí của Ấn Độ sang quay tại những địa điểm nổi tiếng của Việt Nam. "Điện ảnh là phương thức quảng bá du lịch gần gũi nhất và có hiệu quả nhất với ngành du lịch" - ông Hưng nói.

Hiện, con số du khách Ấn Độ tới Việt Nam chỉ là 10..000 người, lượng khách này được xem là khá ít chủ yếu là khách công vụ, thương gia, các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, những tín hiệu hợp tác về du lịch đã được mở ra khi du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên hợp tác được trao đổi  trong chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee tới Việt Nam vào tháng 9/2014 và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Ấn Độ vào tháng 10/2014. 

Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam và Ấn Độ cũng được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua với sự cam kết hợp tác giữa hàng không, các hãng lữ hành và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và 2 bộ chủ quản là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Du lịch Ấn Độ đã mở ra kỳ vọng lượng khách Ấn Độ sẽ gia tăng thời gian tới.

Nhận định về thị trường này, ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, trong giai đoạn Nga, Trung Quốc các nước châu Âu có khó khăn riêng thì để bù đắp lượng sụt giảm này, Ấn Độ sẽ là thị trường giúp Việt Nam tăng lượng khách. Hướng về thị trường Ấn Độ, Bình Thuận xác định trọng tâm là du lịch biển. "Nếu khách Nga đến Bình Thuận tránh đông thì khách Ấn Độ đến Bình Thuận tránh nóng. Tuy nhiên, khách du lịch Ấn Độ là khách khó tính khi họ đến sẽ chi phối khách khác. Do đó, chúng tôi sẽ có phân khúc để đón khách Ấn Độ cho phù hợp.  Giai đoạn 2015 - 2020, Bình Thuận sẽ quy hoạch hình thành tháp Osomi giới thiệu ẩm thực của người Chăm, giới thiệu văn hóa Chăm... để chuẩn bị đón khách Ấn Độ nhằm tăng lượng khách cũng như tăng doanh thu cho Bình Thuận" - ông Chính nói.

Đứng trên góc độ làm du lịch, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, định hướng của ngành du lịch khi thu hút khách Ấn Độ là đúng để bù đắp lượng khách sụt giảm từ thị trường Trung Quốc và Nga. Cách đây 2 năm, khi khách Ấn Độ chuyển hướng sang thị trường Thái Lan thì thị trường Thái Lan đã đón được lượng khách Ấn Độ tương đương lượng khách Trung Quốc. "Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam đặt quá nhiều kỳ vọng bởi ngành du lịch cần làm quen khi đón dòng khách Ấn Độ đặc biệt, dòng khách đạo Hồi và đạo Hindus. Dòng khách này Việt Nam còn đón quá ít, trong khi đó quảng bá về ẩm thực, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị phù hợp với tôn giáo của Ấn Độ." - ông Kế nói.