Tờ Nationthailand đưa tin, theo kết quả kiểm khoảng 99% phiếu bầu, đảng Tiến bước của tỷ phú Thái Lan Pita Limjaroenrat giành nhiều ghế trong Hạ viện nhất, với 151 ghế. Tiếp đến là đảng Pheu Thai của bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin, với 146 ghế.
Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) có được 69 ghế, xếp ở vị trí thứ ba. Giành vị trí thứ tư là đảng Palang Pracharath (PPRP) của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon với 34 ghế.
Trong khi đó, đảng Quốc gia Thái Lan (UNT) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha giành 32 ghế, đứng ở vị trí thứ năm.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ làm dấy lên khả năng các đảng đối lập đạt được thỏa thuận liên minh nhằm chấm dứt sự điều hành của chính quyền thân quân đội sau gần một thập niên.
Tuy nhiên, các ứng viên đối lập vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ mất quyền lực.
Theo hiến pháp Thái Lan, trong số 500 ghế ở Hạ viện, 400 ghế sẽ được bầu theo khu vực bầu cử, 100 ghế còn lại được phân bổ theo kết quả bỏ phiếu của đảng. Trong khi đó, 250 ghế ở Thượng viện do chính quyền quân đội chỉ định.
Hạ viện và Thượng viện đều tham gia bầu ra thủ tướng. Người đắc cử phải giành được sự ủng hộ của đa số, tức là từ 376/750 phiếu trở lên. Nếu không đảng nào giành số ghế áp đảo, thành lập được liên minh chiếm thế đa số ở Hạ viện, hay thuyết phục một bộ phận thượng nghị sĩ ủng hộ mình thì ông Prayut vẫn có cơ hội chiến thắng trong cuộc đua thủ tướng nhiệm kỳ mới.
Phát biểu sau bầu cử, ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến bước, cho biết ông vẫn để ngỏ khả năng liên kết với đảng Pheu Thai và cũng kỳ vọng trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.
Về phần mình, bà Paetongtarn Shinawatra nói rằng còn quá sớm để thảo luận vấn đề liên minh với đảng Tiến bước. "Tiếng nói của người dân vẫn là quan trọng nhất,” bà nhấn mạnh.
Bà Paetongtarn là con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Đảng Pheu Thai được đông đảo người lao động nông thôn và thành thị ủng hộ.
Trong khi đó Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cảnh báo một sự thay đổi trong chính phủ có thể dẫn đến bất ổn. Tuy nhiên, ông khẳng định đảng UTN tôn trọng các quy tắc về việc thành lập chính phủ mới. “Tôi hy vọng đất nước sẽ hòa bình và thịnh vượng. Tôi cảm ơn tất cả các cử tri đã ủng hộ tôi và đảng UTN. Tôi đã làm tốt nhất có thể vì lợi ích quốc gia. Tôi tôn trọng nền dân chủ và cuộc bầu cử,” ông Prayut nói.
Trên thực tế, kết quả bầu cử sơ bộ này không có quá nhiều bất ngờ bởi kết quả thăm dò dư luận của Viện quản lý hành chính quốc gia (NIDA) Thái Lan đều cho thấy đảng Pheu Thai và Tiến bước dẫn trước về tỷ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, việc đảng Tiến bước đang tạm thời vượt lên trước Pheu Thai - đảng được đông đảo người lao động nông thôn và thành thị ủng hộ, là kết quả mà ít người nghĩ tới.
Bình luận về kết quả bầu cử, nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn nói, sự nổi lên của đảng Tiến bước cho thấy sự chuyển dịch lớn trên chính trường Thái Lan. "Đảng Pheu Thai đã dồn lực cho cuộc cạnh tranh chính sách dân túy mà họ đã giành chiến thắng. Trong khi đó, đảng Tiến bước đưa cuộc cạnh tranh lên một nấc mới, tập trung vào vấn đề cải cách thể chế,” chuyên gia Pongsudhirak nhận định với Reuters.