Tổng vệ sinh toàn thành phố phòng dịch sốt xuất huyết: Nếp đẹp cần duy trì

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tuần qua, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trước nguy cơ dịch có thể bùng phát diện rộng, kiên quyết không để dịch chồng dịch.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, tính đến đầu tháng 7 đã có khoảng 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong. Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 đã có thêm 15.000 ca mắc mới và 6 trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 27/6 đến 1/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, tăng hơn 2 lần so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 7, Hà Nội đã có 175 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Một trong những biện pháp mà ngành Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện tích cực là triển khai mạnh mẽ, vận động toàn thể người dân cùng tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Đây được coi là biện pháp quan trọng để xóa bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra dịch sốt xuất huyết với khẩu hiệu: Không có loăng quăng thì không có sốt xuất huyết!

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đứng trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát. Do chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị, sốt xuất huyết gần như căn bệnh đến hẹn lại lên ở Việt Nam và Hà Nội cũng không là ngoại lệ. Cũng bởi vậy, người Hà Nội không xa lạ với những công việc phòng, chống dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng.

Theo tinh thần Chỉ thị 04/2003/CT-UB do UBND T.P ban hành ngày 17/1/2003, trong nhiều năm qua ở Hà Nội đã hình thành một nếp đẹp: Thực hiện tổng vệ sinh toàn thành phố vào 6h30 mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần.

Vào thời điểm đó, tất cả cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang của địa phương và trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, các hộ gia đình tại các phường và các thị trấn trong toàn thành phố tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa, sân vườn, đường ngõ, công sở và khu vực cư trú, quét rác, thu dọn phế thải tồn đọng, khơi thông cống rãnh, hố ga và hàm ếch thoát nước…

Đặc biệt, mỗi khi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thành phố thường tổ chức tổng vệ sinh, với sự tham gia của mọi người, từ các vị lãnh đạo, cán bộ, công chức đến người dân các khu dân cư, làng xóm. Cái lợi của việc thực hiện tổng vệ sinh toàn thành phố không chỉ là làm sạch môi trường, ngăn ngừa mầm bệnh mà còn làm cho người dân ý thức rõ hơn về nguy cơ dịch bệnh bùng phát cũng như sự cần thiết của việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống trong sạch của gia đình mình và cộng đồng.

Nó không chỉ khiến muỗi cùng các loại côn trùng gây hại không còn điều kiện sinh sản mà còn làm cho người dân có ý thức, trách nhiệm hơn, không xả rác hay đổ nước thải bừa bãi.

Hiện tại, ở nhiều khu dân cư, làng xóm… vẫn giữ được nếp đẹp này. Việc toàn dân tham gia tổng vệ sinh làm sạch đẹp thành phố còn được phát động nhân những ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại… mà gần đây nhất là nhân dịp Hà Nội đăng cai tổ chức SEAgames 31.

Theo các chuyên gia, tại Hà Nội cũng như miền Bắc, năm 2022 dự báo đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết có thể sẽ vào tháng 8. Để ngăn chặn dịch bùng phát, tránh tình trạng dịch chồng dịch, cần phải có những biện pháp phòng chống tích cực ngay từ bây giờ, trong đó tổng vệ sinh toàn thành phố với sự tham gia của mọi tầng lớp người dân là một cách làm hiệu quả.

Và không chỉ trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đe dọa bùng phát như hiện nay, việc thực hiện tổng vệ sinh toàn thành phố vào mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần còn cần được khôi phục, duy trì như một nền nếp tốt, một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần