Dưới đây là Top 10 nhà khoa học nữ nhận giải Kovalevskaia trong 10 năm qua (từ năm 2009 đến nay):
1. GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018)
Chọn chuyên ngành Thú y với hướng nghiên cứu chính là bệnh lý virus, gần 30 năm qua, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã làm chủ nhiệm và tham gia 22 đề tài khoa học cấp bộ, Nhà nước và quốc tế. Chị đã công bố hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín. Trong đó nổi bật là 30 bài báo trên các tạp chí ISI/Scopus danh giá của quốc tế. Đây là minh chứng ấn tượng cho các công trình nghiên cứu khoa học của chị.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan –Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (áo dài sẫm màu) nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018. |
Chị có những công trình nghiên cứu hiệu quả gần đây được ứng dụng rộng trong đời sống có thể kể đến như kit chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay còn gọi là bệnh tai xanh ở lợn (năm 2011); công trình nghiên cứu vaccine phòng bệnh sài sốt chó (năm 2016), chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi…
Mới đây nhất GS. Nguyễn Thị Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn nuôi ở một số tỉnh phía bắc ngay đầu năm 2019. Đã giám sát, khống chế thành công virus khống chế dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vaccine phòng dịch tả nguy hiểm này với ngành chăn nuôi Việt Nam.
Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018, chị trở thành nữ giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của Học viện Nông nghiệp và của ngành Thú y Việt Nam, đồng thời chị được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.
2. PGS.TS. Trần Vân Khánh - Trưởng Bộ môn Sinh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học, PGĐ Trung tâm nghiên cứu Gen, protein, Trường Đại học Y Hà Nội (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2017)
Hơn 20 năm công tác, đau đáu với nỗi niềm mong cứu giúp được nhiều hơn nữa người bệnh, nhà khoa học trẻ đã có những nghiên cứu và ứng dụng: Xác định đột biến và thiết lập bản đồ đột biến gen ở bệnh nhân Việt Nam; chẩn đoán người lành mang gen bệnh; chẩn đoán trước sinh và tư vấn di truyền; bước đầu nghiên cứu giải pháp can thiệp đối với một số bệnh lý bằng liệu pháp điều trị gen đã giúp cho các bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị sớm cho bệnh nhân, thực hiện tư vấn di truyền cho các bà mẹ có nguy cơ cao sinh con bị bệnh để họ có các biện pháp cụ thể tránh sinh ra những đứa trẻ mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu về liệu pháp điều trị gen ở mức độ tế bào là tiền đề quan trọng để tiến tới ứng dụng liệu pháp điều trị gen trên bệnh nhân.
Với nghiên cứu đột phá về liệu pháp điều trị gen bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, các nghiên cứu về bệnh lý di truyền, nữ bác sĩ sinh năm 1973 Trần Vân Khánh đã vinh dự được nhận giải thưởng Lo’real UNESCO cho nhà khoa học trẻ có công trình nghiên cứu xuất sắc năm 2011; Giải thưởng Kovalevskaia cho nữ khoa học có thành tích xuất sắc năm 2017 và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế.
3. GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng - Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học -Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016)
Hơn 40 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, hướng nghiên cứu chính của GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng là khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y ở Việt Nam, đặc biệt là những loài thực vật chưa được các tác giả ở Việt Nam cũng như trên thế giới khảo sát.
GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hóa - dược, chủ trì và tham gia 11 đề tài tiêu chuẩn các cấp, công bố 144 bài báo gửi đăng trong các tạp chí chuyên ngành hóa, viết và xuất bản 7 sách giáo trình phục vụ giảng dạy đại học và sau đại học cho Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
4. GS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà - Nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường. Hiện là tư vấn của Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015)
PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà được biết đến như một nữ khoa học cả đời "đau đáu" với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hơn 40 năm cống hiến cho khoa học, bà đã cùng học trò, đồng nghiệp nghiên cứu thành công nhiều đề tài làm sạch môi trường với chi phí thấp.
Gần 20 bằng sáng chế, hơn 150 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Hiện nay bà là tư vấn của Chủ tịch Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam.
5. GS. TS. Nguyễn Thị Kim Lan - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014)
GS. TS. Nguyễn Thị Kim Lan đã làm chủ nhiệm 14 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp Tỉnh, 1 đề tài cấp Đại học, 7 đề tài cấp cơ sở đã được nghiệm thu, đánh giá đạt loại tốt và xuất sắc. Hầu hết các đề tài do GS.TS. Kim Lan làm chủ nhiệm đều được ứng dụng vào công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết của gia súc, gia cầm ở các địa phương.
6. PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Nguyên Giám đốc Viện chuyên ngành Vật liệu xây dựng và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013).
PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy (bìa trái) thực nghiệm tại Viện chuyên ngành Vật liệu xây dựng và Bảo vệ công trình |
Hơn 30 năm "cháy" hết mình, miệt mài nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, trong hàng loạt sản phẩm khoa học ứng dụng được đưa vào sử dụng rộng rãi trong thực tiễn, PGS-TS Bích Thủy đặc biệt tâm huyết với những sản phẩm sơn. Nổi bật trong số đó là 10 quy trình công nghệ sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 5-10 năm; sơn men tuổi thọ trên 15 năm... đã được sử dụng hiệu quả tại hàng loạt công trình lớn: Cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), cầu Hồ (Bắc Ninh), cầu Chương Dương (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và hàng loạt cây cầu phục vụ ngành đường sắt...
7. PGS.TS. Bạch khánh Hòa - Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012)
Là người tận mắt chứng kiến nỗi đau của những nạn nhân và gia đình có người thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, PGS.TS Bạch Khánh Hòa luôn trăn trở tìm kiếm những phương pháp mới trong y học để giúp đỡ các gia đình phát hiện sớm di tật của thai nhi cũng như đóng góp cho ngành Y phương hướng điều trị cho người bị nhiễm chất độc hóa học. Khó có thể kể ra hết khối “tài sản” trong lĩnh vực chuyên khoa sâu miễn dịch huyết học mà bà đã khởi xướng và cùng đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu trong gần 40 năm qua.
PGS.TS Bạch Khánh Hòa đã tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước, thực hiện 4 đề tài cấp Bộ và 7 đề tài cơ sở. Năm 2010, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.
8. PGS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2011)
Là PGS.TS Toán học trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 35, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn đã công bố 16 công trình trên những tạp chí toán quốc tế uy tín được xếp hạng, trong đó có 13 công trình trên tạp chí SCI và 3 công trình trên tạp chí SCIE, 5 công trình trên Journal of Algebra - tạp chí quốc tế uy tín thuộc chuyên ngành Đại số và được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm trích dẫn.
PGS. TS. Lê Thị Thanh Nhàn đã có hàng chục bài báo, trong đó có 16 bài báo ISI công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín và nhiều công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực đại số giao hoán. GS nhiều lần được mời làm phản biện cho các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. GS Nhàn cũng được Viện Toán học Pháp, Viện Vật lý lý thuyết của Ý và Thụy Sĩ… mời sang nghiên cứu. Từ nhiều năm nay, mỗi năm GS Nhàn đều dành thời gian để bố trí đi nghiên cứu, báo cáo kết quả, tham dự các hội nghị ở nước ngoài nhằm cập nhật và tích lũy kiến thức.
9. PGS.TS. Lương Chi Mai - Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2010)
Hơn 30 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lương Chi đã có không ít đóng góp, nhất là lĩnh vực Nhận dạng và công nghệ tri thức (ND và CNTT), nhận dạng chữ viết và tiếng nói của ngôn ngữ Việt. Đã có khoảng 50 công trình khoa học được công bố trong và ngoài nước, trong đó có hơn 20 công trình được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.
10. PGS.TS. Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Giải thưởng Kovalevskaia năm 2009)
Với bản quyền độc quyền quản lí việc sử dụng 20 đoạn gen của Ngân hàng Gen thế giới, PGS.TS Lê Thị Thúy đã góp phần tạo đột phá trong ngành công nghệ gen của Việt Nam. Chị là người đầu tiên nghiên cứu và làm luận án Tiến sĩ về giống ngan, nhân giống đàn lợn Bản cho nông dân vùng dân tộc, khôi phục và bảo tồn giống gà Hồ quý hiếm, phát hiện 29 đoạn gen liên quan đến năng suất bò sữa…
Các công trình nghiên cứu về gen của PGS.TS Lê Thị Thúy đã góp phần quan trọng vào việc lai tạo, chọn lọc các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng; khôi phục, bảo tồn các giống quý hiếm; tiến hành nhân bản, tránh mất mát nguồn gen quý do dịch bệnh, thiên tai… (104 công trình nghiên cứu).