Vậy nhưng, những biến tướng của tour 0 đồng, tour giá rẻ từ việc đón khách người Hoa lại đang khiến các nhà quản lý đau đầu.
Vẫn là con số khiêm tốnTheo con số thống kê, năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tính trong 3 tháng đầu năm 2017, khách du lịch Trung Quốc tăng cao (64%), đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế. Đây được coi là mức tăng trưởng “nóng” đối với thị trường khách quốc tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch thông tin, đây vẫn là một con số khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới cũng như ASEAN. Thực tế, tỷ lệ khách Trung Quốc trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không phải quá cao so với một số nước trong khu vực như: Hàn Quốc (8,1 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2016, chiếm 47% tổng lượng khách), Thái Lan (8,8 triệu, 27%), Nhật Bản (6,4 triệu, 27%).Du khách Trung Quốc tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Hùng |
Trước băn khoăn cho rằng, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu đi theo đường bộ, theo những tour 0 đồng, tour giá rẻ, đại diện Tổng cục Du lịch khẳng định, khách Trung Quốc chủ yếu đến Việt Nam bằng đường hàng không và chọn những điểm đến nổi tiếng như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc. 3 tháng đầu năm 2017, khách du lịch Trung Quốc đi bằng đường hàng không đến Việt Nam đạt 2,6 triệu lượt, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch Trung Quốc đi đường bộ chủ yếu tập trung ở một số tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Theo Tổng cục Thống kê, khách du lịch đường bộ đến Việt Nam trong quý I chỉ tăng 7,6%, đạt 467.000 lượt (tính cả từ Trung Quốc, Lào và Campuchia), trong đó khách du lịch đi đường bộ từ Campuchia chiếm tỷ trọng cao.
Cơ hội và thách thứcPhải nói rằng, đây vừa là thời cơ vừa là áp lực cho du lịch Việt. Bởi như chia sẻ của Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Lưu Đức Kế: “Trung Quốc là thị trường lớn với nhiều phân khúc, có đặc điểm tiêu dùng khác nhau, trong đó nhiều khách có khả năng chi trả cao. Khách du lịch bằng đường biển, đường hàng không đến một số điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… thường sử dụng dịch vụ cao cấp tương đương chất lượng 4 - 5 sao, khách đi theo đường bộ phần lớn là dòng khách bình dân sử dụng dịch vụ từ 1 - 3 sao”. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi khoảng 790 USD cho một chuyến đi Việt Nam. Cũng giống như tại các điểm đến châu Á khác, đặc điểm thị trường khách Trung Quốc thường đi theo đoàn lớn với chi phí "land tour" thấp và thường chi tiêu ngoài tour nhiều cho mua sắm hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam.Do cạnh tranh gay gắt về giá tour giữa các công ty lữ hành Trung Quốc gửi khách tới Đà Nẵng, Nha Trang và Quảng Ninh thời gian qua nên một số công ty lữ hành Trung Quốc và Việt Nam đã phải tìm kiếm nguồn thu để bù lỗ từ các dịch vụ ngoài tour. Riêng việc bán các tour giá rẻ tại Quảng Ninh có nhiều biến tướng phức tạp. Đơn cử như một chiếc vòng cao su bình thường được những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc tại Quảng Ninh bán với giá hàng chục triệu đồng nhờ quảng cáo: đây là chiếc vòng chữa bách bệnh. Vòng ngọc trai “rởm” hay miếng trầm hương kém chất lượng cũng được bán với giá “trên trời”. Vậy mà khách vẫn hỉ hả móc hầu bao. Điều đó cho thấy mức chi tiêu của khách Trung Quốc được cho là hạng bình dân cũng rất phóng khoáng.Nhóm du khách Trung Quốc tham quan Chùa Trấn Quốc, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng |
Giới chuyên môn cho rằng, đối với “tour 0 đồng”, phải có một cách nhìn hết sức tỉnh táo, đầy đủ, toàn diện. Việc xuất hiện tour giá rẻ là tất yếu của sự cạnh tranh gay gắt về giá tour giữa các điểm đến và giữa các DN lữ hành. Về mặt tích cực, các tour này vẫn đem lại nhiều lợi ích, tăng lượng khách đến, tạo doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa. Bên cạnh đó, tour giá rẻ đã làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư có nguồn thu ổn định, duy trì doanh thu bền vững cho điểm đến. Tuy nhiên, mặt trái của tour 0 đồng là làm méo mó hình ảnh du lịch Việt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín điểm đến và quyền lợi khách du lịch, gây thất thu thuế, làm biến tướng hoạt động của lữ hành,…
Chính bởi vậy, bài toán đặt ra hiện nay là quản lý thế nào để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho du khách, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của tour 0 đồng, giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững.Theo một hướng dẫn viên có thâm niên ở Quảng Ninh, để bù lỗ, DN nhận tour 0 đồng thường chọn 6 dịch vụ gồm: Ăn, nghỉ, xe ô tô, điểm tham quan, giải trí và mua sắm. Trong đó các điểm mua sắm với những mặt hàng kém chất lượng được coi là nơi bù lỗ, thậm chí thu lời nhanh nhất. Bởi thế, các điểm bán hàng chỉ bán cho người Trung Quốc mọc lên "như nấm sau mưa" tại TP Móng Cái và Hạ Long. Hiện tượng để người Trung Quốc điều hành, núp bóng, trực tiếp hành nghề hướng dẫn du lịch trái phép trên lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra. Một số DN lữ hành Việt bị ép hạ giá tour, bán khách cho hướng dẫn viên tự tổ chức và thu lợi nhuận. Một số đoàn khách Trung Quốc bị cắt giảm chương trình tour, cắt giảm dịch vụ, bị ép mua hàng tại các điểm mua sắm với giá cao, chất lượng kém. |