Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương, chương trình triệu hồi được thực hiện đối với 3 dòng xe là Camry, Innova và Corolla Altis.
Số liệu của Cục CT&BVNTD, có tổng số 29.513 xe nằm trong diện triệu hồi để kiểm tra, thay thế bơm nhiên liệu và lọc. Hầu hết các mẫu xe này đều đã được bán ra thị trường.
Theo mô tả từ nhà sản xuất, trên các xe trong diện bị ảnh hưởng nổi đèn báo lỗi và các thông tin cảnh báo trên bảng táp lô, động cơ bị rung giật, không khởi động được hoặc xe bị chết máy khi đang chạy ở tốc độ thấp.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, xe có thể bị chết máy khi chạy ở tốc độ cao, làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm.
Toyota cho biết nguyên nhân do các xe trong dải ảnh hưởng được trang bị một bơm thấp áp, đặt trong bình nhiên liệu, để cung cấp nhiên liệu cho hệ thống phun xăng điện tử.
Cánh bơm của các bơm có thể được sản xuất với mật độ vật liệu thấp hoặc loại cánh bơm khác có thể có phát sinh vết nứt do quá trình sấy khô trong quá trình sản xuất.
Điều này dẫn tới cánh bơm có thể bị biến dạng nhất định do tác dụng của xăng. Cánh bơm bị biến dạng có thể va chạm với thân bơm, khiến bơm không hoạt động.
Thời gian dự kiến bắt đầu cuộc triệu hồi từ 1/6/2020 và kết thúc sau 3 năm. Thời gian khắc phục từ 1,7 - 4,2 giờ/xe.
Hiện tại, Toyota Việt Nam không công bố tên nhà cung cấp loại bơm xăng trang bị trên các mẫu xe này. Trong khi đó trên thế giới, hồi tháng 3/2020 hãng đã phải triệu hồi hơn 2 triệu xe tại thị trường Bắc Mỹ với lý do tương tự (với các mẫu xe mang thương hiệu Toyota và Lexus).
Cách đây 5 ngày, Denso - một nhà cung cấp lớn của ngành công nghiệp ôtô cũng đã phải công bố triệu hồi hơn 2 triệu bơm xăng với lý do tương tự (chết bơm xăng), vốn được trang bị cho các thương hiệu ôtô lớn như Toyota, Mitsubishi, Mazda, Honda, Subaru và Ford.