TP Hồ Chí Minh: 500 dự án bất động sản chết “lâm sàng”

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các phiên họp liên quan đến tình hình kinh tế của TP, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tỏ ra lo ngại về sự mất cân đối trong cơ cấu đầu tư. Thay vì tập trung cho hoạt động sản xuất, dòng tiền cứ chảy vào lĩnh vực bất động sản, bất chấp nguy cơ nợ xấu tái diễn…

Theo Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), vấn đề nợ xấu có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản và các ngành có liên quan đến bất động sản. Nợ xấu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến có nhiều dự án bất động sản “trùm mền”, dở dang, riêng TP đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Nợ xấu bao gồm cả hơn 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiều năm qua. Nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản, dự án bất động sản, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai.
Dự án Saigon One Tower 34 Tôn Đức Thắng là một điển hình nợ xấu. Ảnh: Zing.vn
Nợ xấu về bất động sản của TP chỉ khoảng 2,6% (thấp hơn tỷ lệ nợ xấu bất động sản 3,93% của cả nước). Tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng gần 32.000 tỷ đồng, giảm trên 19.000 tỷ đồng so với năm 2015; Trong đó, TP chỉ còn tồn kho gần 6.000 tỷ đồng, giảm trên 4.000 tỷ đồng so với năm 2015.
Cũng liên quan đến nợ xấu, HoREA vừa kiến nghị với Quốc hội, góp ý vào Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đối với tài sản bảo đảm là dự án bất động sản. Theo đó, hiệp hội tán thành cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được quy định tại điều 10 Dự thảo Nghị quyết này.
Thứ nhất, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng các điều kiện như: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo luật định, kể cả trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Dự án không tranh chấp về quyền sử dụng đất; không bị kê biên bản để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện của bên nhận chuyển nhượng theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng…
Chủ tịch HoREA – Lê Hoàng Châu cho rằng, với việc ban hành cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản trong Dự thảo “Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” được Quốc hội xem xét thông qua lần này, sẽ mở đường cho việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Để giải quyết tình trạng dự án bất động sản bị ngừng triển khai, Dự thảo Nghị quyết cần xem việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau. Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản bất ổn. Nhưng chủ yếu vẫn là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nợ xấu ngày càng tăng.
Ông Châu cũng cho biết thêm, Nghị quyết nên quy định áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản như nội dung trên đây sẽ giúp khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), khai thông nguồn vốn, tái khởi động các dự án đang bị ngừng triển khai, cũng là giải pháp góp phần tích cực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà chủ thể thực hiện lại chính là các doanh nghiệp bất động sản, sử dụng nguồn vốn tư nhân, hoàn toàn không liên quan đến ngân sách nhà nước…
Bất động sản chịu sự tác động trực tiếp từ thị trường vốn, trong đó có lượng vốn lớn của các “nhà băng”. Vì thế, khi các tổ chưc tín dụng đối diện với nguy cơ nợ xấu thì bất động sản cũng lâm cảnh tương tự.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang “chết” trên đống tài sản của chính mình vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng và các khoản nợ xấu!
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu là các khoản nợ không có khả năng thu hồi, hoặc không có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi khi đến hạn thanh toán, được phân loại vào nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ có nghi ngờ, nợ có nguy cơ mất vốn…