Theo ông Nguyễn Hải Nam, trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành y tế TP Hồ Chí Minh có 547 viên chức (bao gồm 202 bác sĩ, số còn lại là điều dưỡng và hộ sinh) xin nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau, như: áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19, đơn vị công tác xa nhà, tập trung thời gian học sau đại học, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác.
Việc nhân viên y tế của các bệnh viện, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nghỉ việc xảy ra hàng năm. Con số 547 viên chức xin nghỉ việc trong 8 tháng đầu của năm 2023 thấp hơn năm 2022 (có 1.523 viên chức nghỉ việc). Bên cạnh những nhân viên y tế đã nghỉ việc là những người trẻ có thâm niên công tác dưới 5 năm, còn có một số nhân viên y tế có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Nam, trước thực trạng trên, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã kịp thời nắm bắt, tổng hợp tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc. Sở Y tế đã tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi trực tuyến với nhân viên y tế thuộc các đơn vị theo từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm kịp thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế; các khó khăn và đề xuất của nhân viên y tế về môi trường làm việc, thu nhập, tiền lương; khối lượng công việc, cơ hội được đào tạo, thăng tiến và mối quan hệ với lãnh đạo đơn vị, với đồng nghiệp, qua đó xây dựng môi trường làm việc tốt hơn cho họ.
Đối với các cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu trong công tác đều được tổ chức khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, Sở Y tế cũng khuyến khích, tạo điều kiện để nhân viên y tế tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực ở trong nước và ngoài nước. Cùng với đó, các chính sách củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế cũng được xây dựng, triển khai. Nhờ đó đã góp phần tăng cường cho trạm y tế 1.093 người, trong đó bao gồm 502 bác sĩ nghỉ hưu, bác sĩ thực hành và 591 nhân viên khác. Đến nay 268 bác sĩ đã hoàn thành khóa đầu tiên của chương trình thực hành và được Sở Y tế giới thiệu về công tác tại các đơn vị y tế công lập trực thuộc có nhu cầu qua “Ngày hội việc làm”, góp phần bổ sung nhân lực bác sĩ trẻ cho hệ thống y tế công lập.
Ngoài thực hiện các giải pháp nêu trên cùng với các chính sách cải thiện thu nhập của Chính phủ và TP đối với công chức, viên chức như tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm ở mức 1,8 lần tiền lương từ đầu năm 2023 và tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, từ tháng 7/2023 đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế, giảm tỷ lệ nghỉ việc.
“Số lượng người làm việc của đơn vị y tế công lập tính đến ngày 10/8 là 43.494 người, tăng 2.070 người so với thời điểm 31/12/2022”, ông Nam cho biết thêm.
Tại buổi họp báo, một thông tin khác cũng được dư luận quan tâm là nỗi lo thiếu sách giáo khoa vào đầu năm học, giá sách cao so với bối cảnh kinh tế đang khó khăn, cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh trả lời.
Theo đó, Sở GD&ĐT vẫn liên hệ chặt chẽ với các Nhà xuất bản (NXB) để nắm bắt việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn TP. Do TP là địa bàn lớn nên các NXB cũng ưu tiên cung ứng sớm và đồng bộ sách giáo khoa để đảm bảo đủ sách phục vụ cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới. Ngoài ra, các NXB cũng đảm bảo lượng sách dự trữ nhất định để đáp ứng nhu cầu phát sinh.
Theo thông tin được cung cấp, các NXB cũng tổ chức phát hành sách giáo khoa qua hệ thống cửa hàng của Công ty Cổ phần phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FAHASA), một số các cửa hàng bán lẻ trực thuộc NXB và các kênh bán hàng trực tuyến. Vì vậy, ngoài việc đăng ký mua sách tại trường học, học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng có thể đến các cửa hàng thuộc hệ thống trên để mua sách trực tiếp; hoặc mua sách trên kênh bán sách trực tuyến.
“Đối với giá sách giáo khoa, các NXB có trách nhiệm kê khai với các cơ quan chức năng, Sở GD&ĐT không có ý kiến về vấn đề này, vì Sở chỉ có trách nhiệm về chuyên môn”, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nói.