Trung tâm tài chính khu vực sau 20 năm xây dựng vẫn đang dang dở
Theo TS Trần Du Lịch, Đề án trên là việc làm không mới, nhưng rất cần thiết. Đây không phải vấn đề riêng của TP Hồ Chí Minh, mà chính là một bộ phận trong chiến lược kinh tế của quốc gia; với định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Sau 20 năm xây dựng, đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn chưa trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Ảnh: Ngọc Tiến |
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại HEF 2019. Ảnh: Huy Chương |
Với riêng TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh TP có năng suất lao động gấp gần 3 lần so với cả nước. Vì vậy, khi doanh nghiệp đến TP đầu tư có thể thu hồi giá trị gia tăng cao hơn bình quân cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy, nếu TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ được đầu tư nhiều hơn sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn. Đây cũng chính là một trong những động lực cho TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lớn để phát triển.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một số điều kiện và kế hoạch cụ thể để bổ sung những điều còn thiếu để trở thành một trung tâm tài chính đó là, xây dựng hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và cả nước cũng như kết nối với khu vực và quốc tế; đảm bảo TP có điều kiện sống tốt; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đổi mới tài chính, hạ tầng viễn thông, quy hoạch thiết kế đô thị bền vững theo từ khu vực chức năng.
Chia sẻ với quan điểm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TS Trần Du Lịch cho rằng, muốn xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì phải là chủ trương của Trung ương, phải được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 sẽ thông qua tại Đại hội Đảng XIII. Cần xem đây là Chiến lược kinh tế của quốc gia. Đây là điều kiện để Quốc hội, Chính phủ có thể triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể để thực thi, bao gồm việc thí điểm các chính sách mới, nhất là các sản phẩm tài chính…Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam theo tư duy “Kinh tế Vùng”; khẳng định là Trung tâm thương mại quốc tế; đi đầu trong chính sách khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế. Từ Năm 2002, với Nghị quyết 20/BCT đã xác TP Hồ Chí Minh phấn đầu trở thành Trung tâm công nghiệp; trung tâm thương mại dịch vụ của khu vực. Vì vậy, cần xác định địa bàn TP là vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, chứ không giới hạn trong địa giới hành chính của TP Hồ Chí Minh.
Xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó có khu đô thị mới Thủ thiêm, trung tâm tài chính trong khu đô thị mới này thuận lợi để thu hút các tập đoàn đầu tư tài chính; chính quyền TP phải thể hiện vai trò “bà đỡ” cho các nhà đầu tư; xây dựng hệ sinh thái mà truung tâm tài chính có thể vận hành tốt. Nhìn chung lộ trình xây dựng TTTC khu vực và quốc tế TP Hồ Chí Minh phải qua nhiều giai đoạn và tùy thuộc một phần vào chất lượng sống của đô thị và khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Có nhiều tiêu chí để đánh giá về một trung tâm tài chính, nhưng theo giới chuyên gia, 5 khía cạnh cốt yếu nhất mà bất kỳ TP nào cũng cần lưu tâm gồm: Vốn con người; môi trường kinh doanh; cơ sở hạ tầng (bao gồm cả cứng và mềm); phát triển ngành và danh tiếng. Thứ nhất, đối với trung tâm tài chính, nguồn nhân sự kỹ năng, chất lượng cao đặc biệt thiết yếu. Bên cạnh số lượng và chất lượng của nhân sự, tính linh hoạt của thị trường lao động cũng là một điểm cần lưu ý. Ngoài ra, năng lực tiếng Anh cũng mang lại lợi điểm cho sự hình thành của một số trung tâm tài chính quốc tế. Thứ hai, để thu hút được các tổ chức, công ty, dịch vụ tài chính, môi trường kinh doanh phải có tính cạnh tranh cao. Những yếu tố đặc biệt được lưu tâm gồm sự ổn định chính trị và thượng tôn pháp luật, môi trường thể chế và điều tiết, môi trường kinh tế vĩ mô và tính cạnh tranh về thuế, phí. Thứ ba, để hình thành trung tâm tài chính, TP phải có hệ thống hạ tầng phát triển, có tính kết nối cao; đồng thời đòi hỏi sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, an toàn mạng và cơ sở hạ tầng mềm (trong đó hệ thống luật pháp và các quy định điều tiết tài chính đóng vai trò then chốt). Thứ tư, các tổ chức, công ty tài chính có tính liên kết cao, quan hệ tương tác nhiều, do đó sẽ có xu hướng hội tụ về nơi khu vực hoạt động, dịch vụ tài chính phát triển. Độ sâu và chiều rộng của cụm ngành công nghiệp tài chính cùng với nguồn vốn dồi dào và tính thanh khoản của thị trường là những yếu tố quan trọng. Thứ năm là TP phải tạo dựng tiếng vang, cuốn hút bằng nhiều hình thức khác nhau. |