Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Bố trí hơn 13.000 tỷ đồng đầu tư tuyến Vành đai 2 

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình vừa thống nhất chủ trương bố trí vốn chuẩn bị đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, trong văn bản mới nhất vừa gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hồ Chí Minh, UBND TP này thống nhất chủ trương bố trí vốn cho một số dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất trước đó.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm 12 dự án PPP; dự án Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); hai đoạn còn lại của dự án xây dựng Vành đai 2 TP.

Năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực giải quyết các vướng mắc để tái khởi động dự án và hoàn thành vào năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận... (Ảnh: Tiểu Thúy)
Năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực giải quyết các vướng mắc để tái khởi động dự án và hoàn thành vào năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận... (Ảnh: Tiểu Thúy)

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở KH&ĐT tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn, đề xuất bố trí vốn cho các dự án trên.

Đồng thời, Sở KH&ĐT có trách nhiệm tham mưu đề xuất UBND TP trong Tờ trình HĐND TP về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp chuyên đề tháng 3/2022.

Theo đề xuất của Sở GTVT, hai đoạn dự án Vành đai 2 TP, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, dự kiến nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 13.639 tỷ đồng (tương đương 80% tổng mức đầu tư). Phần kinh phí còn lại khoảng 3.410 tỷ đồng sẽ cân đối bố trí trong giai đoạn sau.

Dự án đường Vành đai 2 có chiều dài hơn 64km, quy mô 6 - 10 làn xe. Dự án kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2 cũ) qua cầu Phú Hữu (quận 9 cũ), kết nối với xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức cũ).

Dự án được xem như đường vành đai rất quan trọng cho giao thông khu vực ngoại vi bao quanh TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, vành đai 2 của TP Hồ Chí Minh còn 14km dang dở được chia thành 4 đoạn tương ứng với 4 dự án: Đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến Xa lộ Hà Nội, đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, Quốc lộ 1 (Thủ Đức) và đoạn 4 từ Quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh.

Khi được khép kín, Vành đai 2 còn giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như: Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, 13...