Ca mắc mới tăng nhanh, chủ yếu là học sinh
Chiều 24/2, Ban Chỉ đạo tổ chức họp báo thông tin về tình hình Covid-19 và một số mặt của đời sống trên địa bàn. Thông tin được dư luận quan tâm trong những ngày qua là việc học sinh đến trường học trực tiếp và học trực tuyến tại nhà, số ca lây nhiễm Covid-19 trong trẻ em khá cao kể từ sau ngày 14/2 (ngày trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 - lớp 6 đến trường), việc xác định ca F0, F1 thế nào?
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Số ca mắc mới tăng nhanh, đặc biệt là học sinh, xu hướng sẽ tăng trong những ngày tới đây vì chúng ta vừa trải qua kỳ nghỉ dài của Tết Nguyên đán, trong quá trình nghỉ sự giao lưu tăng nên khả năng lây nhiễm cao. Sau Tết Nguyên đán, học sinh các cấp trở lại học trực tiếp. Qua nghiên cứu của ngành y tế, trong số ca dương tính, số nhiễm biến chủng Omicron chiếm ưu thế, lây nhanh nên dẫn tới số ca ở TP Hồ Chí Minh tăng. Do vậy, chúng ta không nên mất cảnh giác và cũng không quá hoang mang, vì qua thống kê tại các cơ sở điều trị cho thấy ca nhập viện và ca nặng không tăng, có xu hướng giảm. Các ca nặng và thở máy đã giảm mức thấp nhất, thậm chí hôm nay (24/2), không có ca tử vong trên địa bàn thành phố”.
Cũng theo bà Mai, thành phố được Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá cao công tác phủ vaccine phòng Covid-19 rất tốt trong thời gian qua. Thành phố thực hiện tốt chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ từ trước - trong và sau Tết. Hiện nay ngành y tế đang mở rộng đối tượng từ 50 tuổi trở lên (trước đây từ 65 tuổi trở lên).
Đối ứng số ca tăng và các cháu nhiễm Covid-19 trong thời gian qua: Sở Y tế chủ động tham mưu xây dựng các khu thu dung điều trị Covid-19 khi số trẻ tăng nhanh, để không bị động khi số ca nhiễm tăng. Hiện công tác thu dung và điều trị trẻ mắc Covid-19 đã sẵn sàng, thành phố có 3 Bệnh viện Nhi hàng đầu với số giường trên 450 giường, trong đó có 150 giường hồi sức.
Do đó, dù số ca nhiễm dù tăng, nhưng gần như 90% học sinh mắc Covid-19 đều ở nhà cách ly. Các Bệnh viện cũng đã xây dựng kịch bản khi tăng số trẻ mắc Covid-19, thì đưa vô Bệnh viện Nhi TP Hồ Chí Minh với hơn 1.000 giường, ngoài ra còn có các Bệnh viện tuyến quận, huyện cũng sẵn sàng.
Test nhanh có kết quả dương tính thuộc dạng nghi ngờ
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác Chính trị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nói: “Sở GD&ĐT đã dự đoán khi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp và thực tế diễn ra đúng như vậy, số trẻ em nhiễm Covid-19 tăng lên. Sở GD-&ĐT khẳng định vẫn triển khai công văn 3997 về dạy trực tiếp trên địa bàn, dù hiện nay trong các trường có diễn biến phức tạp. Sau khi có công văn 762 của Bộ Y tế và hướng dẫn 796, Sở GD&ĐT đã quán triệt ngay đến các trường. Mới đây UBND TP Hồ Chí Minh có công văn 548 hướng dẫn kiểm soát dịch trong trường học và chúng tôi đã triển khai xuống các trường”.
Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, hiện nay việc học trực tiếp song song với học trực tuyến. Vì trong quá trình trực tiếp có một số học sinh F0, bị cách ly, một số trẻ khác do phụ huynh không cho đến trường học trực tiếp. Theo quy định mới, những ca F1 nếu tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 vẫn phải nghỉ học tại nhà 5 ngày và học trực tuyến, nên số học sinh đến trường sẽ biến động thường xuyên.
“Về cách xử lý đối với học sinh là F1 và công tác xét nghiệm trong trường học, công tác này do nhà trường phối hợp với Trạm Y tế triển khai tổ chức. Đối với kit xét nghiệm nhanh, Sở GD&ĐT đang cố gắng thực hiện nhanh việc cung ứng để giảm khó khăn cho các trường”, ông Trịnh Duy Trọng, nói.
Trả lời câu hỏi trong 7 ngày qua tại TP Hồ Chí Minh có hơn 6.000 ca nhiễm Covid-19 mà đa số là trẻ em? Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho rằng, con số của Giám đốc Sở Y tế công bố là các em học sinh mắc trong trường. Những trường hợp này hầu như phát hiện qua test nhanh. Tuy nhiên, test nhanh chưa khẳng định mà chỉ thuộc đối tượng nghi ngờ, nên không công bố trong bản tin của Bộ Y tế. Về thông tin hiện nay 70 ca Omicron trong cộng đồng, cũng được ông Tâm xác định là đúng vì 70 ca Omicron này phát hiện qua tầm soát ngẫu nhiên trong 92 mẫu. Nguồn lây chắc chắn từ nước ngoài, còn vào đến thành phố như thế nào, có thể hiểu qua nhiều con đường, như: Càng hàng không quốc tế, cảng biển, đường bộ biên giới. Tuy nhiên đến nay ca Covid-19 biến chủng Omicron chưa nguy hiểm.
Triển khai chiến dịch bảo vệ trẻ nhiễm Covid-19
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo, xác nhận trong những này qua số ca nhiễm Covid-19 là trẻ em tăng cao. Cụ thể, từ ngày 14/2 - 21/2 tăng gấp 3 lần so tuần trước (từ ngày 7/2 - 13/2).
“Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em, đến cuộc sống gia đình khi có trẻ bị nhiễm, ảnh hưởng đến việc học của trẻ em. Do đó, chúng ta phải dùng nhận thức bảo vệ sức khoẻ, tính mạng trẻ em trên hết, trước hết. Bên cạnh đó, thành phố đã có kế hoạch để chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid-19. Cụ thể, thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ (béo phì, suy dinh dưỡng, có bệnh nền)”, ông Hải chia sẻ.
Theo ông Phạm Đức Hải, chiến dịch bảo vệ trẻ em gồm 7 nội dung: Cung cấp số điện thoại di động để tư vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, thân nhân, người chăm sóc bệnh nhi; Tập huấn cho giáo viên biết được những dấu hiệu trẻ nhiễm Covid-19 để xử lý; Tập huấn cho hệ thống y tế, gồm: Trung tâm Y tế, Trạm Y tế, BV, Bệnh viện Nhi, Trạm Y tế lưu động; Phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị; Xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc Covid-19 gia tăng; Tăng cường truyền thông để mọi người hiểu vì sao tăng ca nhiễm, nguyên nhân tăng, mức độ, giải pháp; Sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi.
Về việc đi học trực tiếp của trẻ em, Bộ Y tế có công văn 796 ngày 21/2, sau đó UBND TP Hồ Chí Minh ban hành công văn 548 ngày 22/2 hướng dẫn cụ thể công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Trẻ em thực hiện quy định phòng bệnh chắc chắn còn hạn chế, do đó đề nghị quý phụ huynh hỗ trợ, hướng dẫn chăm sóc tốt hơn cho trẻ trong phòng, chống dịch. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với nhà trường để cùng nhau quyết định chăm sóc sức khỏe cho trẻ và quyết định hình thức học tốt nhất, hiệu quả tốt nhất. Do phải thường xuyên thay đổi hình thức học, nên đề nghị phụ huynh tạo điều kiện quan tâm con em mình và cùng với nhà trường vượt khó dù học tập theo hình thức nào, nhằm đạt kết quả cao nhất.