Nhiều vướng mắc khi thực hiện Luật quy hoạch đô thị
Ngày 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND TP và các Sở, ngành, quận, huyện về giám sát “Việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2023”.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng cho biết, buổi giám sát nhằm nắm bắt những vấn đề cơ bản sau 13 năm triển khai Luật quy hoạch đô thị (QHĐT); kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện; những kiến nghị, đề xuất để đoàn giám sát ghi nhận và đưa ra bàn thảo trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội diễn ra vào ngày 20/5.
Báo cáo tóm tắt với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Trương Trung Kiên cho biết, từ năm 2010-2023, TP đã triển khai thực hiện Luật QHĐT năm 2009, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch và một số luật khác. Quá trình thực hiện có đạt được một số kết quả, nhưng thực tế phát sinh một số bất cập, đơn cử khi thực thực hiện Luật Xây dựng, vẫn còn thiếu một số điều chỉnh về quy hoạch nông thôn; mỗi khi đấu thầu mất thời gian; quy hoạch lại khó gắn kết với các chương trình để thực hiện.
Giai đoạn từ ngày 1/1/2015 - 31/12/2022, TP đã phê duyệt 573 đồ án quy hoạch, với tổng kinh phí khoảng 254 tỷ đồng, hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu (gần 100.000ha, chiếm 99% diện tích) về cơ bản đã phủ kín. Việc thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chung để làm cơ sở pháp lý cũng đã được lập vào năm 1993, sau đó điều chỉnh lần 1 và 2, đến nay đang thực hiện đồ án quy hoạch chung đến năm 2060.
Lấy ý kiến quy hoạch trong cộng đồng dân cư còn sơ sài
Báo cáo với đoàn giám sát về quy hoạch mạng lưới thu gom rác, xử lý chất thải rắn (XLCTR), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Trung Trực cho biết, theo quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP có 5 khu XLXTR: Khu Liên hiệp XLCTR Tây Bắc; Khu XLCTR ở nghĩa trang Đa Phước; Khu Công nghệ môi trường Xanh tại huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An); thêm 2 khu tại phường Cát Lái và phường Long Bình (TP Thủ Đức); bổ sung 2 khu quy hoạch XLCTR tại xã An Thới Đông và xã Thạnh An (huyện Cần Giờ). Riêng TP Thủ Đức có 2 trạm nhằm tiết giảm thời gian (50km/chuyến quay xe).
Về công nghệ XLCTR, hiện đã có 2 doanh nghiệp đăng ký chuyển XLCTR từ chôn lấp, đốt… sang đốt rác phát điện nhưng chưa được đưa vào quy hoạch Điện 8. UBND TP đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng chấp thuận cho 2 doanh nghiệp xin đổi công nghệ, sau đó sẽ xin Bộ Công thương. Đối với quy hoạch không gian biển, Sở TN&MT đã phối hợp với Ủy ban Khoa học - Công nghệ của Quốc hội, và đã có báo cáo liên quan Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP nhận định, báo cáo của UBND TP về quy hoạch 13 năm qua, ngoài kết quả đạt được còn tồn tại hạn chế là chưa gắn kết để thực hiện các chương trình, triển khai chưa đồng bộ, gây bức xúc trong dân. Một khâu quan trọng khi thực hiện quy hoạch là lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhưng thực tế việc này rất sơ sài, người dân tham gia chừng mực, thời gian lấy ý kiến cập rập nên nhiều người chưa kịp ý kiến đầy đủ.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết, báo cáo còn dở dang, 20 năm trước, TP quy hoạch 6 tuyến tàu điện ngầm, nhưng đến nay tuyến Metro số 1 vẫn chưa xong. Vấn đề quy hoạch không gian ngầm rất quan trọng đối với đô thị, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực phát triển “lên trời và xuống đất” nhưng trong báo cáo lại đưa bất động sản lên trước quy hoạch không gian ngầm là chưa hợp lý.
Quy hoạch phải công bố công khai
ĐBQH Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh cho rằng, 13 năm qua vấn đề quy hoạch dẫn đến hạn chế quyền sử dụng đất của người dân (không được chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng…). Vậy việc lập quy hoạch xong, nhưng không được triển khai thực hiện thì xử lý thế nào.
Còn ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, ý kiến nhiều nhất vẫn là quy hoạch đô thị, vì luôn xung đột với quyền lợi của người dân. Có trường hợp địa phương đã quy hoạch khu vực có 2 trường học, nhưng sau đó thay đổi quy hoạch chỉ còn 1 trường khiến người dân phản ứng.
“Ở đây nổi lên vấn đề quy trình lấy ý kiến của người dân ra sao? Quy hoạch liên quan công trình công cộng cũng cần xem lại vì thực tế có công trình không hiệu quả. Khi quy hoạch, cần công bố công khai để người dân biết, để khi người dân muốn mua đất ở khu vực nào đó sẽ biết đất đó có bị quy hoạch hay không, quy hoạch thế nào ? ”, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy đề nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho rằng: “Để đảm bảo quyền lợi người dân trong vùng quy hoạch, nếu người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở có thời hạn, thì UBND TP đã có quy định cấp phép xây dựng, cho tồn tại có thời hạn. Nếu cấp phép và người dân xây xong mà dự án được thực hiện trong thời gian còn quy hoạch thì người dân dỡ nhà không được bồi thường. Tuy nhiên nếu quy hoạch thời gian 5 năm, nhưng sau thời gian này mới thực hiện dự án theo quy hoạch, lúc đó bồi thường ra sao? Vì vậy cần đồng bộ trong quy hoạch ở từng cấp độ: quốc gia, vùng, liên tỉnh, địa phương… để khi triển khai thực hiện không bị vướng mắc”.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng đề nghị UBND TP hoàn chỉnh báo cáo, bổ sung những kiến nghị của các sở, ngành, địa phương; tiếp tục tập trung quy hoạch TP; lập đồ án quy hoạch chung TP, đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức, quy hoạch không gian biển.