Chiều 21/11, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tăng Hữu Phong cùng Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi đồng chủ trì họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội TP.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Minh Tâm–Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn môi trường Sở Công Thương, đã trả lời về tình hình kinh doanh, sản xuất hóa chất xyanua trên địa bàn.
Bà Minh Tâm cho biết, xyanua là chất có trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Do đó, thẩm quyền cấp phép loại hóa chất này thuộc Cục Hóa chất Bộ Công Thương, hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 35 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh xyanua.
Để kiểm soát số lượng xyanua mua bán trên địa bàn TP, sau khi doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép, trên cơ sở dữ liệu cấp phép được Bộ Công Thương chia sẻ, định kỳ hằng năm Sở Công Thương rà soát, tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp cùng Cục Hóa chất Bộ Công Thương, Công an TP, Cục Quản lý thị trường TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất độc, hóa chất nguy hiểm.
“Chính vì chất độc xyanua là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng việc mua bán lại khá dễ dàng (bán trên mạng xã hội), chợ Kim Biên (quận 5). Vì vậy, để kiểm soát, Sở Công Thương đã tăng cường kiểm tra và giám sát: phối hợp các cơ quan chức năng như Công an TP, Cục Quản lý thị trường TP kiểm tra đột xuất, hậu kiểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng kinh doanh hóa chất về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, điều kiện kinh doanh, quản lý, vận chuyển, nơi lưu trữ... Đặc biệt tập trung tại các khu vực như chợ hóa chất Kim Biên, các khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại.
Phối hợp với Cục Hóa chất Bộ Công Thương rà soát toàn bộ các doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn TP. Qua đó, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh hóa chất, đặc biệt là xyanua” bà Minh Tâm nói.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, từ năm 2021-2024, Sở Công Thương đã triển khai nhiều kế hoạch và hoạt động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường TP, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP và các đơn vị liên quan nhằm kiểm soát việc mua bản, kinh doanh chất độc xyanua.
Liên quan đến hóa chất xyanua, Thượng tá Nguyễn Thăng Long – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua Công an TP đã phối hợp các sở, ngành chức năng TP tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh hoá chất nói chung, chất độc xyanua nói riêng trên địa bàn; đã tổ chức cho 388 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất ký “Bản cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hóa chất lĩnh vực công nghiệp”.
Thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng chất độc xyanua, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm liên quan đến việc sử dụng hoá chất, Công an TP triển khai thực hiện kế hoạch “Tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
“Qua phối hợp các ngành chức năng kiểm tra 177 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất; đã phát hiện, xử lý hành chính 14 trường hợp kinh doanh hoá chất (không liên quan đến kinh doanh, mua bán xyanua); đã khởi tố 6 vụ án với 31 bị can về tội “Mua bán trái phép chất độc” quy định tại điều 311 Bộ luật Hình sự 2015, thu giữ hơn 9.700 kg xyanua...”, Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết.