Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh có 4.850 doanh nghiệp hoạt động trở lại

TRÚC MAI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài số doanh nghiệp nêu trên hoạt động trở lại, tại TP Hồ Chí Minh có hơn 3.190 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới.

Cấp phép thành lập mới hơn 3.190 doanh nghiệp

Chiều 7/2, tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022, UBND TP Hồ Chí Minh thông tin nhiều kết quả khởi sắc.

Theo đó, từ việc triển khai các giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, số ca mắc mới, ca bệnh nặng phải nhập viện và tử vong trên địa bàn thành phố liên tục giảm, duy trì vùng xanh. Trên cơ sở kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được tập trung ngay từ những ngày đầu của năm 2022.

Người dân TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3.  
Người dân TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3.  

Cụ thể, khu công nghệ cao đạt giá trị sản xuất hơn 1,65 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,54 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 1,41 tỷ USD, tất cả đều tăng 5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 1,5% so với cùng kỳ. Có hơn 3.190 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới (tăng 24,6% so với cùng kỳ), có 4.850 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 36,3% so với cùng kỳ, tăng 498,9% so với tháng trước). Số doanh nghiệp giải thể giảm so với cả cùng kỳ và tháng trước (382 doanh nghiệp giải thể, giảm 7,73% so với cùng kỳ, giảm 27,24% so với tháng trước). Thành phố nhận định đây là tín hiệu tốt trong việc thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022. 

Về thu ngân sách đảm bảo hiệu quả, ước đạt 47.882 tỷ đồng (đạt 12,4% dự toán và tăng 19,5% so với cùng kỳ), trong đó thu nội địa đạt 14,03% dự toán, tăng 26,83% so với cùng kỳ. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung công tác xây dựng quy hoạch, quản lý đô thị đảm bảo tiến độ các kế hoạch đề ra, số công trình vi phạm giảm 37,8% so với cùng kỳ (51 trường hợp/6.210 lượt kiểm tra).

Đối với các chương trình bình ổn thị trường, công tác an toàn thực phẩm được đảm bảo. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung - cầu, giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng. Việc tăng cường hoạt động thương mại điện tử, các hệ thống phân phối đã góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang mua sắm online. Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên trên diện rộng, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết.

Nếu lơ là, có khả năng bùng phát dịch trong thời gian tới

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau Tết được tập trung. Đội ngũ y, bác sĩ được các bệnh viện, trung tâm y tế đã bố trí thường trực 4 cấp 24/24 giờ, đủ thuốc, trang thiết bị để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu. Hệ thống y tế của thành phố luôn ứng trực, theo dõi sát tình hình diễn biến của biến chủng Omicron. Từ ngày 31/1 (29 Tết) đến ngày 4/2 (Mùng 4 Tết), thành phố ghi nhận 531 ca dương tính (trung bình mỗi ngày có khoảng 106 ca, riêng ngày 4/2 ghi nhận 24 ca là con số thấp nhất từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát kể từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca tử vong giảm dưới 2 con số.

Việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức luôn duy trì ít nhất một điểm tiêm cố định cho người dân. Đến nay số mũi tiêm vaccine cộng dồn được gần 20 triệu mũi (mũi 1 hơn 8,1 triệu, mũi 2 gần 7,3 triệu, mũi bổ sung hơn 660.000, mũi nhắc lại hơn 3,9 triệu).

Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, qua nắm bắt dư luận nhận thấy Nhân dân phấn khởi khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới” sau hơn 3 tháng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron và tình trạng lơ là, chủ quan của một bộ phận không nhỏ người dân không tuân thủ nguyên tắc 5K, người dân lo ngại khả năng bùng phát dịch trong thời gian tới.

Về phương hướng tháng 2/2022, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra chỉ tiêu cụ thể. Đó là đẩy nhanh tiến độ đề án Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Tập trung xử lý, khắc phục các nội dung liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 14/10/2020 của Thành ủy về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030. Ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc thành phố giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các nội dung cải tạo chung cư cũ, dự án nhà ở xã hội, giải quyết các dự án còn vướng mắc, tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Metro 1 và đầu tư xây dựng Metro 2, Vành đai 3, 4…

 

Từ ngày 4/1 đã thực hiện việc dạy trực tiếp trở lại học đối với học sinh từ lớp 7 - lớp 12 (riêng tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ áp dụng khối lớp 1 - lớp 12). Từ ngày 14/2, triển khai cho trẻ em thuộc khối mầm non và học sinh từ lớp 1 - lớp 6 học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.