TP Hồ Chí Minh có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2016 trên toàn quốc xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn.

Trong đó, có 799 vụ TNLĐ chết người, 106 vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên làm cho 862 người chết, 1.952 người bị thương nặng.
Bộ LĐTB&XH vừa thông tin, 10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2016 là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình, Quảng Trị. TP Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu về số vụ TNLĐ (1.735 vụ) và số người chết vì TNLĐ với 112 người; tiếp đến là Hà Nội có 78 người chết vì TNLĐ; Thanh Hóa 64 người chết, Bình Dương 62 người chết…
Người lao động được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
Trong khu vực có quan hệ lao động, năm 2016 trên toàn quốc xảy ra 7.588 vụ TNLĐ làm 7.806 người chết, giảm 32 vụ so với năm 2015. Tuy nhiên, các chỉ tiêu thống kê khác về TNLĐ của năm 2016 lại tăng. Cụ thể, có 7.806 nạn nhân, tăng 21 vụ; 655 vụ có người chết, tăng 26 vụ; 711 người chết, tăng 45 người; 1.855 người bị thương nặng, tăng 151 người….
Theo phân tích của Bộ LĐTB&XH, tình hình TNLĐ ở khu vực có quan hệ lao động, loại hình công ty TNHH chiếm nhiều nhất với 37,1% số vụ tai nạn chết người và 37% số người chết. Loại hình công ty CP chiếm 34,2% số vụ tai nạn chết người và 34,3% số người chết. Tiếp đến là DN nhà nước, đon vị hành chính sự nghiệp 20,8% và 20,8; DN tư nhân, hộ kinh doanh là 3,5% và 3,2%.
Lĩnh vực xây dựng dẫn đầu về xảy ra nhiều TNLĐ chết người với 23,8% tổng số vụ và 24,5% tổng số người chết; tiếp đến khai thác khoáng sản chiếm 11,4% tổng số vụ và 12,9% số người chết.
Tai nạn giao thông là yếu tố dẫn đến chết người nhiều nhất với 28,7% tổng số vụ và 27,8% tổng số người chết; ngã từ trên cao chiếm 22,8% tổng số vụ và 21,8% tổng số người chết; điện giật; vật rơi, đổ sập chiếm 12,4% tổng số vụ và 15,3% tổng số người chết…
Có đến 42% nguyên nhân để xảy ra TNLĐ là do người sử dụng lao động vì không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không huấn luyện an toàn lao động hoặc thực hiện chưa đầy đủ; không tổ chức trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Có 17,3% nguyên nhân xảy ra TNLĐ từ người lao động do vi phạm quy trình quy chuẩn về an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân…
“Báo cáo sơ bộ của các địa phương, chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương vì TNLĐ là 171,63 tỷ đồng. Thiệt hại về tài sản là 7,8 tỉ đồng và 98.176 ngày nghỉ do TNLĐ” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin.