Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh đã thu hồi được hơn 1,2 triệu m2 nhà, đất công

Văn Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/12, tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, các đại biểu đã có buổi thảo luận về vấn đề chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản, nhà đất công trên địa bàn. Trong đó, TP đã thu hồi được 12.915 địa chỉ nhà, đất với diện tích 1.206.839 m2.

Một nhà đất công tại đường Nam Quốc Cang (quận 1)  trong tình trạng bỏ trống gây lãng phí - ảnh minh họa
Một nhà đất công tại đường Nam Quốc Cang (quận 1)  trong tình trạng bỏ trống gây lãng phí - ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ đầu năm 2024, Sở Tài chính đã trình UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý 12.915 địa chỉ nhà, đất. Trong đó, khối TP có 10.853 địa chỉ và khối Trung ương có 2.062 địa chỉ.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xử lý thu hồi 339 địa chỉ nhà, đất với tổng diện tích 1.206.839 m2.

Cụ thể, 91 địa chỉ với 333.255 m² được chuyển giao cho UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để thực hiện các công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh, bệnh viện và trường học; 172 địa chỉ với 623.140m² được chuyển giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để làm trụ sở làm việc, đặc biệt ưu tiên các cơ quan chưa có trụ sở hoặc mới thành lập; 65 địa chỉ với 206.389m² được thu hồi để bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 11 địa chỉ với 44.055m² được sử dụng làm quỹ đất thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) cho các dự án hạ tầng khi được UBND TP Hồ Chí Minh  phê duyệt nhà đầu tư.

Cùng với đó, việc thẩm tra quyết toán các dự án đầu tư công cũng giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách.

Trong năm 2024, TP Hồ Chí Minh  cũng đã thẩm tra quyết toán 81 dự án với tổng mức đầu tư gần 5.773 tỉ đồng, tiết kiệm được 30,969 tỉ đồng so với giá trị do chủ đầu tư đề nghị.

Tại buổi họp, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Trần Mai Phương cho biết, đến nay Sở đã yêu cầu các đơn vị rà soát và báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là những tài sản không còn nhu cầu sử dụng, tổng hợp báo cáo về UBND TP Hồ Chí Minh .

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện Đề án 167 về sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. “Hiện tại, 5 trong số 12 chuyên đề của đề án đã được hoàn thiện và các bên đang hoàn thiện bảy đề án còn lại. Sở Tài chính sẽ báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh vào cuối năm nay” - bà Phương cho biết.

Theo bà Phương, mục tiêu của đề án là xây dựng một hệ thống quản lý tổng thể về tài sản công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bao gồm việc số hóa dữ liệu để tăng cường hiệu quả quản lý và khai thác nhà, đất công. Được biết, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công cần sắp xếp.

TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra 12 chuyên đề để đánh giá, phân loại, phân nhóm, chẳng hạn như nhóm các tài sản trước năm 1975 để lại, tài sản xử lý đôi dư, tài sản đã giao cho Công ty quản lý kinh doanh nhà, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng…