TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đề xuất Chính phủ cho chỉ định thầu nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Điển hình như TP đề xuất được chỉ định thầu dự án xây cầu Thủ Thiêm 4, nối Đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7) với Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2).
Để được chỉ định thầu, TP đưa ra lý do tính cấp bách và đặc biệt của dự án này. Tuy nhiên, việc đề xuất đó đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bác bỏ, do TP chưa giải thích được tính đặc biệt của dự án để vận dụng chỉ định thầu theo Điều 26 của Luật Đấu thầu.
Theo quy hoạch, dự án cầu Thủ Thiêm 4 là dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Tuy vậy, hiện TP Hồ Chí Minh đang loay hoay trước hàng loạt dự án hết sức bức thiết để giải quyết nạn giao thông quá tải, tình trạng kẹt xe, triều cường, ngập nước...
Chỉ đơn cử ở khu Nam TP, người dân quận 7, các huyện Nhà Bè và Cần Giờ, hơn chục năm qua khi di chuyển về trung tâm TP qua con đường độc đạo Huỳnh Tấn Phát (đoạn qua quận 7 dài 6km) triền miên chịu cảnh ngập nước từ 20 - 50cm do triều cường hoặc sau những cơn mưa chỉ 30 phút.
Năm 2018, TP mới bố trí được 250 tỷ đồng để đôn cao con đường này từ 20 - 30cm, tuy vậy không biết tuổi thọ nâng đường có được 5 năm? Hoặc cũng ở khu Nam, còn 4 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương đang là mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vì không biết lúc nào những cây cầu này đổ sập xuống sông. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của quận 7 và huyện Nhà Bè khi di chuyển về trung tâm TP và đi các huyện Cần Giuộc, Cần Đước tỉnh Long An.
Hàng chục năm trời, người dân kêu ca, chính quyền đề nghị TP giải quyết. Tháng 8/2018 vừa qua, 1 trong 4 cây cầu này (Long Kiển) được TP cho xây dựng với tổng vốn đầu tư 554 tỷ đồng do trước đó, cuối năm 2017 nó bị đổ sập xuống sông vì không chịu được tải trọng. Thực tế đó, đòi hỏi TP Hồ Chí Minh nên cấp bách đầu tư vào các dự án giải quyết vấn nạn này trước, rồi hãy tính đầu tư vào những cây cầu nhiều nghìn tỷ đồng mà trước mắt chưa phải là cấp bách, có tính chất đầu tư trung hạn.
Theo dự kiến, để xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, TP phải bỏ ra 16 lô đất “vàng” để thanh toán cho chủ đầu tư, trong đó có 11 lô ở Khu đô thị Thủ Thiêm và 5 lô ở một quận trung tâm. Riêng 11 lô đất Khu đô thị Thủ Thiêm có diện tích gần 100.000m2, dự kiến có giá trị thanh toán cho chủ đầu tư là 3.200 tỷ đồng, tương đương 32 triệu đồng/m2.
Theo một số tay môi giới sành đất Khu đô thị Thủ Thiêm, giá đất hiện tại ở khu vực này bình quân không dưới 200 triệu đồng/m2 đối với trường hợp bán cả lô. Trường hợp này, nếu TP không thay đổi phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất thì chỉ phần 11 lô đất đã có giá trị thanh toán cho cả 4 cây cầu Thủ Thiêm 4 chứ không phải 1 cầu (5.200 tỷ đồng).
Một câu chuyện đề xuất khác, mới đây, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ GD&ĐT cho một số trường trung cấp, cao đẳng liên kết với đại học ngoài địa phương để đào tạo đại học vừa học vừa làm, đại học liên thông. Ví dụ, trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh liên kết với trường Đại học Đại Nam (Hà Nội) đào tạo liên thông lên đại học ngành Dược, Công nghệ thông tin, Kế toán và đạo tạo văn bằng 2 các ngành ngôn ngữ Anh văn, Quản trị kinh doanh.
Trước đó (tháng 4/2017), TP cũng đề xuất cho trường Trung cấp Mai Linh liên kết với trường Đại học Trà Vinh đào tạo liên thông lên đại học các ngành Điều dưỡng, Luật, Kế toán. Lý giải cho các đề xuất này, TP Hồ Chí Minh cho rằng nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho TP.
Hiện trên địa bàn TP đang có 58 trường đại học, một số trường thuộc Top dưới đang chật vật tuyển cho đủ chỉ tiêu đại học chính quy. Hệ đại học liên thông, vừa học vừa làm có nguồn tuyển ngày càng co hẹp. Thử hỏi, TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ GD&ĐT “mời” thêm trường đại học từ các địa phương khác để tranh giành thị phần nhằm mục đích gì?
Thực tiễn cho thấy, chất lượng hệ đại học liên thông, vừa học vừa làm thông qua liên kết đào tạo là rất thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là quá trình mở lớp, tổ chức và quản lý đào tạo bị thả lỏng, các bên liên kết chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Trường hợp trường trung cấp tham gia liên kết không đơn giản để hưởng tiền dịch vu ăn chia, cái quan trọng của họ là mở ra cơ hội tăng quy mô tuyển sinh hệ trung cấp. Cách liên kết đó đã tạo lòng tin cho người học, rằng nhận bằng trung cấp, họ sẽ nhận được bằng đại học. Với giá trị đó, rõ ràng cái hồ sơ xin liên kết đào tạo đại học để được phê duyệt có dễ?
Liệu nguồn nhân lực được đào tạo đại học theo hình thức liên thông kiểu đó sẽ có trình độ cao như TP Hồ Chí Minh kỳ vọng hay là trình độ nào?