70 năm giải phóng Thủ đô

TP Hồ Chí Minh: Đặt lại tượng Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tượng đài Trần Nguyên Hãn xây dựng từ trước năm 1975, biểu tượng ở trung tâm TP Hồ Chí Minh và hình ảnh quen thuộc của người dân sẽ được đặt lại trước chợ Bến Thành.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành. Ảnh: MXH
Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành. Ảnh: MXH

Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo, truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về công tác thiết kế cảnh quan và tái lập tuyến đường Lê Lợi; ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành và công tác cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành.

Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử văn hóa, kế thừa các nghiên cứu quy hoạch trước đây và việc phân luồng giao thông tại khu vực trung tâm, TP Hồ Chí Minh sẽ tái lập nút giao thông tại giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi (còn gọi là Bùng binh Cây Liễu - PV).

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng giao các sở ngành liên quan đề xuất phương án quy hoạch, xây dựng lại bùng binh trước chợ Bến Thành. Cụ thể, nghiên cứu phương án đặt lại tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ, đồng thời đề xuất thêm phương án làm mới tượng đài của ông bằng chất liệu bền vững hơn. Tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cũng được nghiên cứu cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2014, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản chấp thuận việc dời tượng đài Trần Nguyên Hãn về công viên Phú Lâm (quận 6, TP Hồ Chí Minh) theo đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND quận 1. Đây được xem là giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, vì hồi tháng 7/2013, chân phải của tượng đài bất ngờ bị rơi ra khiến nhiều du khách đang chụp ảnh hoảng hốt.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975, ở trung tâm thành phố, đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân TP Hồ Chí Minh. Tượng được làm bằng xi măng và từng được trùng tu, phục chế 2 lần.