TP Hồ Chí Minh: Đặt mua thêm 100 tấn oxy lỏng phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/8, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình về việc bổ sung hệ thống bồn oxy tại các bệnh viện trong TP, để sẵn sàng cung cấp cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0).

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp phối hợp với các đơn vị đầu tư, tăng cường lắp đặt hệ thống oxy cho các giường điều trị bệnh nhân Covid-19, đảm bảo quy mô 15.000 giường có gọng thở oxy trước 23-8. Ban cũng cần tăng cường và rà soát camera để kiểm tra, giám sát giường bệnh.

Bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).

Sở Xây dựng được giao phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính làm việc với các đơn vị cung cấp oxy: Công ty TNHH Oxy Đồng Nai; Công ty Cổ phần Hơi kỹ nghệ que hàn - Sovigaz; Công ty Cổ phần Nippon Sanso Việt Nam; Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam để thống nhất cam kết thực hiện hợp đồng cung cấp oxy cho các bệnh viện điều trị Covid-19. Đồng thời tính toán phương án phối hợp đảm bảo kịp thời theo yêu cầu điều trị, không để tình trạng thiếu oxy do không cung cấp kịp thời theo yêu cầu điều trị. Trường hợp không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng, phải có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, TP cũng thống nhất chủ trương sử dụng bồn oxy lỏng dung tích lớn do Công ty TNHH Oxy Đồng Nai cung cấp (ngoài các bồn oxy lỏng 1 tấn đã lắp đặt).

Phó Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng liên hệ các đơn vị cung cấp thiết bị, hỗ trợ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Nhiệm vụ là đặt mua thêm 10 bồn oxy lỏng (mỗi bồn 10 tấn), 10.000 chai oxy thể tích 40 lít, 10.000 khẩu thở để sẵn sàng cung cấp nhu cầu oxy cho việc điều trị F0.

Trong sáng cùng ngày 19/8, theo dữ liệu của Cổng thông tin Covid-19 TP, trong ngày 18/8, TP ghi nhận tổng cộng 3.694 ca mắc Covid-19. Số lượng F0 được phát hiện tại cộng đồng là 2.848 ca, chiếm tỷ lệ hơn 77%.

Cụ thể, quận 1 ghi nhận 290 người nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 265 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện, chiếm hơn 90% tổng số ca nhiễm toàn quận; quận Bình Tân với 319 ca mắc Covid-19. Trong đó, 255 người được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện, chiếm gần 80% tổng số ca trong ngày; quận 10 có tổng cộng 227 ca, trong đó gần 97% là người nhiễm được phát hiện ngoài cộng đồng (220 ca); quận Tân Bình cũng ghi nhận thêm 212 ca nhiễm, số lượng F0 ngoài cộng đồng chiếm hơn 99% (210 ca); quận 5 ghi nhận số người mắc Covid-19 là 148 ca, trong đó số ca trong cộng đồng chiếm tỷ lệ gần 98% (145); huyện Nhà Bè có số người nhiễm khá ít nhưng 100% ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong ngày 18/8 được ghi nhận tại cộng đồng (17/17).

Giải thích về tình trạng số F0 trong cộng đồng tiếp tục tăng nhanh trong những ngày gần đây, Sở Y tế TP cho rằng điều này nằm trong kế hoạch của TP.

Cụ thể, theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ ngày 15/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời F0 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 15/8 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả trường hợp F0.

7 bệnh viện hỗ trợ điều trị F0 tại 22 quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh
Bộ Y tế phân công 7 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại các quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh gồm:
1. Bệnh viện Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách: Phụ trách hỗ trợ cho cơ sở y tế của TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh.
2. Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh: Phụ trách hỗ trợ cho cơ sở y tế quận 1, quận 3, quận 5 và quận 11.
3. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13): Phụ trách hỗ trợ cơ sở y tế cho huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
4. Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh điều trị Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16): Phụ trách hỗ trợ cơ sở y tế cho quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.
5. Bệnh viện Trung ương Huế (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14): Phụ trách hỗ trợ cơ sở y tế quận 10, quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.
6. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh: Phụ trách hỗ trợ cơ sở y tế của quận 4, quận 6 và quận Gò Vấp.
7. Bệnh viện Thống Nhất: Phụ trách hỗ trợ cơ sở y tế của quận Phú Nhuận và Tân Bình.
Theo phân công của Bộ Y tế, 7 bệnh viện này có nhiệm vụ khảo sát đánh giá, tổ chức tiếp nhận điều trị, các điều kiện hiện có về cơ sở giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế tại địa phương. Từ đó xác định khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TP để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.
Phương thức hỗ trợ là cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 cho các quận, huyện tại TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần