TP Hồ Chí Minh "đau đầu" lo tiền chống ngập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cơn mưa kéo dài, 66 khu vực TP Hồ Chí Minh bị ngập nặng, đến trưa hôm qua (16/9), nhiều điểm vẫn chìm trong “biển” nước…

Là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh không ngừng phát triển toàn diện. Tuy nhiên, vấn đề thoát nước của TP này vẫn là một “bài toán” hóc búa.

Nhiều nguyên nhân gây ngập

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, trong 40 năm (từ năm 1962 – 2001), trên địa bàn TP chỉ xuất hiện 9 trận mưa lớn trong hơn 3 tiếng, đạt vũ lượng trên 100mm (trung bình 4 năm xuất hiện 1 lần). Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay thì đã xuất hiện đến 29 trận mưa, trong đó có 3 trận mưa lớn chỉ 60 phút (trong năm 2013 và 2014) đã đạt đến vũ lượng 100mm- 122mm.
Tình trạng ngập sâu kéo dài trên các tuyến đường của TP.HCM sau trận mưa kéo dài hơn nửa ngày
Tình trạng ngập sâu kéo dài trên các tuyến đường của TP HCM sau trận mưa kéo dài hơn nửa ngày
Đối với triều cường, tình hình diễn biến phức tạp, gia tăng các mốc đỉnh triều kỷ lục. Cụ thể, từ năm 1980 – 2007 khảo sát đỉnh triều ở mức cao nhất mới chỉ đạt dưới 1,50m (tại trạm Phú An), nhưng từ 2008 cho đến nay tổng cộng 91 lần đỉnh triều vượt trên mức 1,50m, tần suất ngày càng tăng, trong đó có những lúc đỉnh triều đã chạm mức 1,68m.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh vẫn sử dụng nguyên trạng hệ thống thoát nước được xây dựng thời Pháp đã gần một thế kỷ. Theo thiết kế, hệ thống thoát nước này đáp ứng cho TP có 2 triệu dân. Thế nhưng, hiện dân số của TP Hồ Chí Minh đã trên 10 triệu người. Ngoài ra, hệ thống thoát nước của TP chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh, rạch với 3.020 tuyến, tổng chiều dài là 5.075 km. Tuy nhiên, dù thời gian qua hệ thống kênh, rạch này đã được nạo vét nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Cùng với đó là hệ thống cống thoát nước vốn có tiết diện nhỏ (khoảng 600 – 800mm), qua thời gian dài sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có điều kiện thay thế. Không những vậy, với ý thức của người dân còn hạn chế và quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép gây tắc nghẽn dòng chảy, hệ thống cống, miệng cửa xả, không xây dựng hồ điều tiết bù lại diện tích đã san lấp theo quy định, khiến các khu vực nước tự nhiên bị thu hẹp.
Các phương tiện xếp hàng dài lưu thông hết sức khó khăn qua các đoạn ngập nước
Các phương tiện xếp hàng dài lưu thông hết sức khó khăn qua các đoạn ngập nước
Ngoài ra, một số tuyến đường chính được nâng cao theo quy hoạch (+2.0m) nhưng đa số nhà dân không có đủ điều kiện để nâng cao cốt nền nhà cho đồng bộ với việc nâng cấp đường, dẫn đến nền nhà luôn thấp hơn mặt đường.

Công tác dự báo của TP hiện cũng chưa lường hết được các tác động phức tạp của biến đổi khí hậu. Cụ thể, nếu trước đây thông số đầu vào để lập quy hoạch là vũ lượng mưa tối đa trong 3 giờ nhưng do biến đổi khí hậu thì các trận mưa dù chỉ kéo dài 60 phút nhưng vũ lượng mưa đã cao hơn rất nhiều.

Thiếu hàng chục nghìn tỉ đồng

Để giải “bài toán” chống ngập cho TP .Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm 2001, TP đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2010. Tiếp đó, ngày 28/10/2008, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, sau 10 năm triển khai, tiến độ thực hiện các quyết định này chỉ đạt 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch. Thậm chí TP không còn khả năng chi ngân sách cho các dự án chống ngập trọng điểm theo quy hoạch nói trên.

Lý do được TP Hồ Chí Minh đưa ra là nguồn thu được hưởng theo tỷ lệ của TP quá hạn hẹp, giai đoạn 2011 – 2014 chỉ khoảng 9.509 tỉ đồng, nhưng phải dành 28% (khoảng 2.857 tỉ) để trả nợ vay đến hạn, chỉ còn 6.650 tỉ đồng/năm nên chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vốn cấp thiết.

Cụ thể, đến thời điểm cuối tháng 12 năm 2014, tổng dư nợ vay của TP đã lên đến 25.115 tỉ đồng, bao gồm dư nợ trong nước (14.669 tỉ đồng) và dư nợ vay lại nguồn vay nước ngoài của Chính phủ (10.446 tỉ đồng).

Dự kiến trong 5 năm tới (2016 – 2020), bình quân mỗi năm TP phải chi khoảng 4.250 tỉ đồng/năm để trả nợ gốc và lãi đến hạn (tăng gần 49% so với giai đoạn 2011 – 2014). Do đó, nguồn cân đối cho chi đầu tư phát triển ngày càng khó khăn hơn.
Hàng trăm người phải dắt bộ xe vào sáng nay do xe chết máy khi đi qua các khu vực ngập nước
Hàng trăm người phải dắt bộ xe vào sáng 16/9 do xe chết máy khi đi qua các khu vực ngập nước
Để thực hiện các dự án chống ngập trọng yếu cấp bách trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND TP Hồ Chí Minh dự trù tổng kinh phí vào khoảng 66.820 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng được 7.500 tỉ đồng.

Vì vậy, UBND TP HCM cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho TP. Trong đó, UBND TP trình Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho thành phố vay gói 10.000 tỉ đồng, thời hạn vay là 10 năm, với lãi suất 0%/năm. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không đồng ý lãi suất 0%/năm thì thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ phần lãi vay cho TP. Phần vốn còn lại, TP Hồ Chí Minh trông đợi từ nguồn xã hội hóa…!