Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm với phát triển kinh tế

HUY CHƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, là TP đặc biệt nhưng chưa có một "thánh đường" nghệ thuật nào, hệ thống bảo tàng, thư viện cũng chưa có thiết chế nào xứng tầm. Tác phẩm văn học nghệ thuật chưa phản ảnh được nhịp sống sôi động, mới mẻ của TP, chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm…

Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trong buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (NQ33) sáng ngày 20/4, tại TP Hồ Chí Minh.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (đứng thứ 2 từ trái qua) trong buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (NQ33) sáng ngày 20/4, tại TP Hồ Chí Minh.

 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện NQ 33 tại TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng phát triển văn hóa con người. Trong nhận thức của Đảng, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và chính trị. Từ Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển văn hóa con người. Gần đây nhất trong hội nghị tổng kết kinh tế-xã hội năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề ra yêu cầu phải cân bằng giữa vấn đề kinh tế - văn hóa, giữa văn hóa -con người và kinh tế, không chỉ tập trung cho kinh tế và nhấn mạnh rằng kinh tế có thể suy yếu một vài năm có thể sẽ phục hồi nhưng mà suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa phải mất nhiều thời gian để phục hồi.

Đối với TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, giao lưu và hội nhập quốc tế của vùng và cả nước, có vị trí chính trị quan trọng, có sự hội tụ và lan tỏa. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời gian vừa qua, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phát triển văn hóa con người, đã ban hành chương trình kế hoạch, có nhiều giải pháp cụ thể, thực hiện đạt kết quả quan trọng và toàn diện.

Trong nhận thức, TP đã đặt văn hóa ngang bằng với kinh tế và chính trị, coi sự "văn minh, nghĩa tình" là những thành tố ngang bằng với hiện đại phát triển kinh tế, xây dựng TP "có chất lượng sống tốt". TP có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đầu tư đáng kể cho văn hóa, nghệ thuật; xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, giao lưu quốc tế về văn hóa có bài bản và phong phú…

Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh, so với vị trí và tiềm lực quan trọng của TP, với kỳ vọng của vùng và cả nước đối với TP thì còn nhiều vấn đề cần phải nỗ lực, cố gắng hơn. Đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, TP đặc biệt thế này nhưng chưa có một "thánh đường" nghệ thuật nào, hệ thống bảo tàng, thư viện cũng chưa có thiết chế nào xứng tầm. Tác phẩm văn học nghệ thuật chưa phản ảnh được nhịp sống sôi động, mới mẻ của TP, chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặt vấn đề tại sao trước đây đời sống còn nhiều khó khăn, kinh tế chưa phát triển, chính sách còn gò bó nhưng vẫn có những tác phẩm văn học đột phá như thế, mà bây giờ lại thiếu?

TP luôn vì cả nước, mọi quyết sách, việc làm của TP luôn là tâm điểm của dư luận, thu hút sự quan tâm của cả nước, việc thực hiện tốt hay không tốt Nghị quyết 33 của TP nói riêng hay các nghị quyết của Đảng nói chung đều có ý nghĩa lớn, tác động đến việc thực hiện các nghị quyết của Đảng trên phạm vi cả nước. Do đó, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị TP hệ thống lại cái gì đã làm tốt thì cần làm tốt hơn, chưa tốt thì làm cho tốt, cái gì đã nhận thức và có kế hoạch rồi thì cố gắng triển khai.

“Xây dựng và phát triển văn hóa, con người luôn đòi hỏi cả việc xây và chống, trong đó xây là cơ bản, còn chống phải quyết liệt. Thành phố cần nỗ lực hơn nữa để đạt được những kết quả tốt hơn, tương xứng với tiềm lực của TP và yêu cầu phát triển bền vững. TP phải là nơi đóng góp để hoàn thiện đường lối của Đảng, kinh nghiệm về thực hiện các mô hình hay nhân rộng cho cả nước”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, quán triệt quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. TP Hồ Chí Minh luôn xem trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, xác định rõ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc về trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân TP được nâng lên, thể hiện rõ trong nhận thức và hành động. Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân TP, thể hiện qua nhiều phong trào.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa ở cơ sở được cải thiện, nâng cao. Các phong trào thi đua yêu nước với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đem lại hiệu quả thiết thực. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người tốt việc tốt, góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình.

Hoạt động văn học- nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ của TP không ngừng phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố. Hoạt động của hệ thống bảo tàng, thư viện, di tích, di sản văn hóa, các đoàn nghệ thuật, các trung tâm, nhà văn hóa... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện NQ 33 của TP cũng còn một số hạn chế còn tồn tại như: công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thường xuyên; nhận thức về xây dựng và phát triển văn hóa, con người của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sâu sắc. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có một số lãnh đạo TP đã tác động tiêu cực ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực, lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh thâm nhập làm xói mòn, phai nhạt giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng thẳng thắn cho rằng, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa ngang tầm với vị trí, vai trò, khả năng và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển TP.