Xem xét Covid-19 là bệnh “lưu hành”
Chiều 23/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) tổ chức họp báo thông tin về một số mặt của đời sống trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Ban chỉ đạo đã nêu ra nhiều câu hỏi để đại diện các cơ quan trả lời. Về câu hỏi vì sao các luật sư mỗi khi vào các nhà tạm giữ, tạm giam của công an để gặp bị can, bị cáo vẫn phải xét nghiệm Covid-19?
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết các nhà tạm giữ, tạm giam là môi trường khép kín nên công tác phòng chống dịch bệnh được đưa lên hàng đầu, phải đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ cũng như người bị tạm giữ, tạm giam. “Trước thực trạng này, chúng tôi mong Bộ Y tế sớm có hướng dẫn xem Covid-19 là bệnh lưu hành”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Liên quan nhiều người sử dụng xe biển số trắng nhưng gắn còi hụ, lạm dụng quyền ưu tiên như xe cứu thương khi lưu thông trên đường, thì bị xử lý ra sao?
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/2012 giữa Bộ Công an với Bộ Công thương, chủ xe ô tô muốn lắp còi hụ phải xin giấy phép do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh cấp. Đối với hành vi sử dụng còi hụ, quyền ưu tiên sai mục đích sẽ bị xử phạt theo quy định. Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm này, Công an TP đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra và xử phạt đối với những xe cứu thương sử dụng còi hụ sai mục đích. Từ đầu năm đến nay đã phạt xử 5 trường hợp vi phạm sử dụng thiết bị ưu tiên không đúng quy định, như: Hụ còi khi trên xe cứu thương không có người bệnh, lưu thông vào làn đường ưu tiên khi không được phép…
Cảnh báo thủ đoạn mua bán người
Đối với thực trạng vừa qua nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận bị lừa bán sang Campuchia, sau đó bị các đối tượng đòi tiền chuộc; Về vấn đề này, theo Thượng tá Hà, tình trạng tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm từ lâu. Tại kỳ họp thứ chín ngày 29/3/2011 của Quốc hội khóa XII, đã ban hành Luật phòng, chống mua bán người, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 lấy ngày 30/7 hằng năm làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định loại tội phạm này tại các điều 150, 151 và 152.
Các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân có hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi, đua đòi và các em có tư tưởng muốn thoát ly công việc vất vả, muốn đổi đời để từ đó lừa gạt. Các đối tượng trong những đường dây buôn người thường hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rủ đi du lịch…, rồi bán ra nước ngoài để trục lợi.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, thời gian gần đây khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, các đối tượng thường làm quen, tiếp cận từ xa, hướng dẫn người dân, nạn nhân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Gần đây báo chí cũng đã phản ánh việc nhiều trang mạng xã hội tuyển người sang Campuchia làm việc với mức lương cao, được bao ăn ở. Chúng thường đưa ra các điều kiện như biết đánh máy, có giọng nói tốt thì lương sẽ cao nhằm làm cho nạn nhân tin tưởng.
Khi đã lừa được nạn nhân, đối tượng buôn người tập hợp lại rồi đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Sau khi qua đến nước bạn, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân phải trả một số tiền đền bù về chi phí đi lại, ăn ở và từ đó khống chế nạn nhân phải làm việc cực nhọc hoặc xâm hại tình dục rồi yêu cầu gia đình nạn nhân phải trả tiền chuộc.
“Do đó khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà liên hệ cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để công an có cơ sở thuận lợi trong việc điều tra, hỗ trợ nạn nhân”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Đề xuất Bộ Công an cấp thêm máy cấp thẻ CCCD
Vấn đề làm thẻ căn cước công dân (CCCD) tại TP Hồ Chí Minh khiến người dân than phiền, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, nhu cầu người dân làm CCCD để đi làm và sử dụng cho các việc khác tăng cao, trong khi số lượng máy cấp thẻ CCCD do Bộ Công an cấp cho TP chưa đáp ứng được nhu cầu nên tại một số nơi xảy ra việc phải bốc số rồi chờ 2 - 3 ngày. Trường hợp người dân không bốc số phải chờ đợi còn vất vả hơn. Công an TP Hồ Chí Minh cũng có đề xuất Bộ Công an cấp thêm máy cấp CCCD để giảm tình trạng quá tải. Ngoài ra, ngành công an cũng bố trí thêm nhân sự và tăng thời gian làm thẻ CCCD bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 22 giờ tối mỗi ngày...