TP Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương phối hợp đưa người dân về quê

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/7, UBND TP Hồ Chí Minh ra văn bản khẩn đề nghị các địa phương phối hợp các địa phương đưa người dân về quê. Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên xét nghiệm và trả kết quả cho người rời TP về quê theo danh sách đăng ký trước và Sở Giao thông Vận tải TP cũng phối hợp tạo thuận lợi trong quá trình di chuyển.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn số 2544 gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về phối hợp tổ chức đưa người dân từ TP về các tỉnh, thành trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Đoàn xe đưa 200 người dân Quảng Ngãi ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh về quê. Ảnh: Nghiêm Hà

Theo đó, để tránh tình trạng người dân tự ý di chuyển bằng xe cá nhân, không đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, phòng, chống dịch, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh gửi kế hoạch tổ chức đưa người dân đang cư trú tại TP về địa phương.
Cụ thể, UBND TP đề nghị UBND các tỉnh, thành khác chỉ đạo tổ chức vận chuyển tập trung bằng các phương tiện giao thông công cộng: Hàng không, đường sắt, đường bộ. Không di chuyển bằng phương tiện giao thông cá nhân; yêu cầu đơn vị cung ứng vận chuyển chấp hành nghiêm phương án phòng dịch Covid-19.
Các cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoặc Hội đồng hương tại TP Hồ Chí Minh là đầu mối tiếp nhận đăng ký theo yêu cầu, đối tượng phù hợp với kế hoạch của từng tỉnh, thành; tổ chức xét nghiệm; thông báo số lượng người dân được vận chuyển, địa điểm, thời gian.
Sở Giao thông Vận tải TP là cơ quan đầu mối của TP Hồ Chí Minh, phối hợp với đại diện các địa phương để tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển về vị trí tập kết tại TP (sân bay Tân Sơn Nhất, ga đường sắt Hòa Hưng, bến xe...).
Sở cũng sẽ thông tin đến UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về phương thức vận chuyển, số người, địa điểm, thời gian.
Ngoài ra, UBND TP giao Sở Y tế TP phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có tên trong danh sách hoặc kế hoạch di chuyển về quê, được ưu tiên xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất; khuyến cáo các trường hợp không được di chuyển.
Trước đó, trong sáng cùng ngày 31/7, liên quan đến công tác chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cho biết, có hơn 5.000 người đăng ký tình nguyện chống dịch ở TP.
Trong số người đăng ký tình nguyện có 700 bác sĩ và 223 điều dưỡng. Số bác sĩ và điều dưỡng này đã được Sở Y tế TP phân công đến các bệnh viện và các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 có nhu cầu.
Sở Y tế TP cũng huy động các lực lượng tình nguyện hỗ trợ khám và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng, chăm sóc ca nhiễm, ca nghi nhiễm; vận chuyển bệnh nhân, đẩy xe, vận chuyển mẫu trong các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên vệ sinh buồng bệnh, hành lang, khuôn viên chung tại các cơ sở điều trị F0; tham gia lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca bệnh.
Bên cạnh đó các lực lượng cũng sẽ tham gia đảm nhiệm công tác vận chuyển hàng hóa, chở các ca nhiễm, nghi nhiễm đến khu cách ly, phụ giúp công tác hậu cần, sắp xếp, dọn dẹp tại các khu cách ly, phun khử khuẩn, nhập liệu trực chốt....
Người tình nguyện tham gia chống dịch có thể đăng ký với phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh theo số điện thoại 028 39309967 hoặc 0907 574 269.
TP áp dụng Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/7 đến hết 1/8. Từ 24/7, TP siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Từ 26/7, sau 18 giờ mỗi ngày, người dân TP Hồ Chí Minh được yêu cầu hạn chế ra đường. Hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6 giờ sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 31/7, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 88.566 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.
Tất cả người dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh sẽ được tiêm vaccine Covid-19
Đó là chủ trưởng của UNND TP Hồ Chí Minh và được Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định tại buổi họp báo chiều tối 30/7.
Theo đó, ông Dương Anh Đức cho biết, về tiến độ tiêm chủng đợt 5, từ 14 giờ ngày 22/7 đến chiều 29/7, số lượng tiêm được là 452.339 người. Trong khi mục tiêu trong đợt 5 này, TP phải tiêm được 930.000 liều, bây giờ đã đạt được trên 50%. Sau khi tiêm xong đợt 5, TP sẽ triển khai tiêm luôn đợt 6, không chờ.
Về nguồn vaccnine tiêm, ông Dương Anh Đức chia sẻ, sẽ đến từ 2 nguồn: Thứ nhất, do Bộ Y tế tiếp tục phân bổ với cam kết, tiêm tới đâu hỗ trợ tiêm tới đó, bảo đảm liên tục. Nhiệm vụ của TP là tổ chức sao cho việc tiêm chủng trôi chảy và tốc độ cao nhất có thể mà vẫn đảm bảo an toàn, không vi phạm các quy định khi thực hiện Chỉ thị 16; Thứ 2 là nguồn tài trợ, và 10 giờ sáng hôm nay (31/7), TP đã tiếp nhận thêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 từ nhà tài trợ.
“TP sẽ huy động tối đa lực lượng y tế tham gia tiêm chủng, bao gồm cơ sở y tế công và tư; điểm tổ chức tiêm bao gồm cố định và lưu động để đảm bảo việc tiêm vaccine Covid-19 tiếp cận đến đã ngóc ngách, các đối tượng; không giới số lượng tiêm mỗi ngày; tổ chức tiêm chủng thêm vào buổi tối…” - ông Dương Anh Đức thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần