Nhu cầu đòi nợ thuê hơn 362.000 tỷ đồng
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện tại TP có 99 DN hoàn tất thủ tục đăng ký và được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký DN để hoạt động ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Có 45 DN đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó có 42 công ty trong nước và 3 công ty có yếu tố nước ngoài.
Tổng số người làm nghề này là 711 người (trong đó có 706 người Việt, 5 người nước ngoài). Tổng số nợ nhận ủy quyền đòi nợ trên 362.370 tỷ đồng; tổng số nợ đòi được theo ủy quyền trên 2.035 tỷ đồng.
UBND TP cũng nhận định các đối tượng núp bóng DN có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động cho vay “tín dụng đen” nhằm thu lợi bất chính. Nếu các con nợ không trả nợ đúng hạn, họ thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tiến hành đòi nợ trái pháp luật làm sợ hãi hoặc gây hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Đòi nợ thuê đã có từ lâu trên thế giới Tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức... đã có loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ rất lâu. Cụ thể năm 1977, Quốc hội Mỹ thông qua Luật quy định phương thức thu hồi nợ hợp lý, nghiêm cấm tình trạng sử dụng biện pháp đòi nợ theo kiểu trấn áp, đe dọa, theo đó người đòi nợ chỉ được phép liên lạc với khách nợ trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đếṇ 9 giờ tối; không được phép khủng bố điện thoại như: nhắn tin, nhá máy, không được tiếp cận khách hàng ở nơi họ làm việc… |
Nguyên nhân tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhanh, không thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức nên tìm đến cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn, hoặc do nhu cầu bất hợp pháp đã tìm đến cá nhân, cơ sở hoạt động cho vay “tín dụng đen”. Khi không có khả năng chi trả, phát sinh hệ lụy đòi nợ trái pháp luật.
UBND TP cũng kiến nghị đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh (trước đó vào ngày 22/9/2018, UBND TP từng có văn bản kiến nghị - PV). Lý do được UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra vì thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật, như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án… Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.
“Mặt khác, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp đã vô tình tạo kẽ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự. Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ”, văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh, kiến nghị.
Cấm là trái luật
Luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định: “Thực tế loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là sự phân công lao động xã hội đã góp phần đáp ứng nhu cầu giải quyết những khoản nợ khó đòi của người dân, tổ chức, giảm tải tranh chấp tại các tòa án.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực cũng có hiện tượng tiêu cục xảy ra như: DN dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục “xã hội đen” gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức, khách nợ... gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng uy tín danh dự, thậm chí đe dọa, trấn áp khách nợ... làm ảnh hưởng tình hình trật tự xã hội địa phương. Nhưng những tiêu cực này không phải là phổ biến..., vì thế không chỉ vì một vài hiện tượng tiêu cực, từ đó đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục cấm, điều này trái Luật Doanh nghiệp, trái với Bộ luật dân sự...”.
Cũng theo luật sư Ánh, tại điều 11 Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007, đã có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ đối với DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, như: Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan; Sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ, gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền. Như vậy nếu DN đòi nợ thuê vi phạm những điều cấm nêu trên thì bị xử lý theo quy định pháp luật.
“Theo tôi để các DN đòi nợ hoạt động đúng luật pháp, Nhà nước cần tăng cường chức năng nhiệm vụ quyền hạn của công an trong việc quản lý, giám sát hoạt động của DN dịch vụ đòi nợ từ khi cấp giấy phép và trong quá trình hoạt động. Cần có quy định nghiêm ngặt về đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp đối với người lao động trong DN đòi nợ. Theo đó, khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu, nghiêm cấm sử dụng các hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng đến khách nợ khi thực hiện dịch vụ đòi nợ. Cần xử phạt hành chính hoặc rút giấy phép đối với DN có nhân viên vi phạm quy định…”, luật sư Trần Thị Ánh, nêu quan điểm.