Ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 6/10, đã có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Chỉ còn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh là 2 địa phương chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch.
Tuy nhiên, đến ngày 8/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP này (Ban chỉ đạo) công nhận thêm huyện Bình Chánh đạt 6/6 tiêu chí kiểm soát dịch quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, tính đến hôm nay (8/10), TP Hồ Chí Minh đã có 20 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch, chỉ còn duy nhất quận Bình Tân chưa được đề nghị công bố kiểm soát dịch Covid-19.
Cụ thể, vào ngày 30/9, Đoàn kiểm tra số 18 đã làm việc với UBND quận Bình Tân, ghi nhận những kết quả tích cực của quận trong thời gian qua.
Khi đối chiếu với bộ tiêu chí theo Quyết định 3979/2021 của Bộ Y tế, quận Bình Tân đạt về chỉ số kéo giảm 50% số ca nhiễm mắc mới so với tuần cao nhất của đợt dịch, nhưng tính theo chu kỳ 7 ngày, số ca nhiễm từ ngày 22/9 đến 27/9 lại tăng, vẫn còn ghi nhận nhiều ca dương tính.
Quận Bình Tân đã đạt chỉ số về tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm giảm liên tục trong vòng 14 ngày và không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới trong 7 ngày.
Về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm, tiêu chí này yêu cầu đánh giá mức độ nguy cơ theo cấp phường nhưng quận Bình Tân lại đánh giá theo khu phố, tổ dân phố là chưa phù hợp.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, cũng trong sáng 8/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính từ khi TP bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 7/10 đã tiêm được 12.045.799 mũi tiêm, trong đó 5.013.768 người tiêm mũi 2. Vaccine Vero Cell đã tiêm cho 2.942.091 người.
Tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là 97,5%; người tiêm đủ 2 mũi là 69,6%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 73,47%; người trên 50 được tiêm 2 mũi là 61,79%.
Tính đến nay, TP được Bộ Y tế phân bổ 12.278.264 liều vaccine và đã tiêm 11.913.318 liều. Tỷ lệ tiêm chủng trên tổng vaccine phân bổ thực tế tại TP là 97,03% (theo dữ liệu Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19).
Trước nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tồn tại, HCDC khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm theo quy định Chỉ thị 18 của UBND TP, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.
Ai cần xét nghiệm Covid-19 khi đến các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh? Ngày 8/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ban hành công văn gửi các bệnh viện công lập, ngoài công lập và phòng khám đa khoa để hướng dẫn về việc người bệnh có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày sẽ không cần test nhanh khi đi khám tại cơ sở y tế. Người bệnh khi đến khám cần khai báo y tế điện tử và được phân luồng, sàng lọc triệu chứng theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Đối với bệnh nhân cấp cứu: Bệnh viện cần ưu tiên can thiệp cấp cứu tại buồng sàng lọc, sau khi người bệnh ổn định, cần xem xét chỉ định xét nghiệm nhanh kháng nguyên nếu có triệu chứng nghi ngờ. Đối với người bệnh cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại khu vực điều trị - ngoại trú, điều trị ban ngày (như phẫu thuật trong ngày, thận nhân tạo, khí dung, khám thăm dò chức năng hô hấp, nội soi dạ dày, răng miệng...): Được xét nghiệm nhanh kháng nguyên để quyết định nơi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật phù hợp. Tuy nhiên, với trường hợp người bệnh và thân nhân đã có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và không có triệu chứng nghi ngờ, thì không cần xét nghiệm lại. Đối với người bệnh có chỉ định nhập viện: Xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm rRT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 10 mẫu) cho người bệnh và người chăm sóc đi kèm trước khi nhập viện. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người bệnh vẫn được điều trị tại khu cách ly tạm. |