Theo đó, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh sẽ huy động tài trợ khoảng 15.000 thiết bị từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tâm huyết để tiếp sức cho học sinh học tập, vận động các công ty viễn thông tài trợ hoặc cung cấp các gói cước viễn thông giá rẻ, phù hợp để ổn định đường truyền trực tuyến.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng kêu gọi phụ huynh học sinh, các cá nhân, công ty, tổ chức, mạnh thường quân, các trường đại học đóng góp 40.000 thiết bị cũ (ATM máy tính). Hiện Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động triển khai hoạt động này.Đáng chú ý, nếu phụ huynh học sinh mua trả góp máy tính, điện thoại... Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh để lựa chọn nhà cung cấp có chính sách bảo hành phù hợp, cam kết đổi trả và bảo hành tốt nhất, cung cấp máy đến tận nhà học sinh đồng thời hướng dẫn sử dụng.
Sở này cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lãi suất vay trả góp phù hợp (lãi suất bằng 0) đối với phụ huynh học sinh có nhu cầu mua trả góp máy tính, điện thoại thông minh… cho học sinh học trực tuyến, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 24 tháng.
Trước đó, ngày 6/9, gần 700.000 học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu học trực tuyến chương trình mới. Ghi nhận ở nhiều trường trung học, tỷ lệ học sinh tham gia trong ngày học đầu tiên trên 90%.
Ngày mai 8/9, hơn 688.000 học sinh tiểu học sẽ tập trung theo lớp, làm quen với cách học trực tuyến và vào học chính thức từ ngày 20/9.
Năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khoảng 1,35 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT tại TP Hồ Chí Minh phải học trực tuyến, dự kiến kéo dài hết học kỳ I.